La Hán Phục Ma Thần Công
Bối Hải Thạch thấy nét mặt bang chúa khác lạ thì trong bụng vẫn băn khăn lo lắng.
Y liền vươn tay ra nói:
-Xin bang chúa đưa tay cho tại hạ chuẩn mạch lại coi.
Chàng thiếu niên ngoan ngoãn giơ tay ra cho y bắt mạch.
Bối Hải Thạch vừa đặt ba đầu ngón tay lên cổ tay chàng thiếu niên thì đột nhiên cánh tay y run lên, cả nửa người bị tê chồn. Ba đầu ngón tay bị hất mạnh ra.
Bối Hải Thạch giật mình kinh hãi, nhưng nét mặt lộ vẻ vui mừng. Y nói:
-Kính mừng bang chúa ! Thần công cái thế của bang chúa đã luyện đến nơi đến chốn rồi.
Chàng thiếu niên vẫn chẳng hiểu Bối Hải Thạch nói thế là nghĩa làm sao ?
Chàng ngơ ngác hỏi :
-Cái gì mà cái thế thần công ?
Bối Hải Thạch nghe chàng hỏi vậy thì lại nghĩ ngay ra Bang chúa không muốn tiết lộ thần công cái thế của y cho người ngoài hay biết, y không dám nhắc lại nữa, liền nói chữa ngay:
-Dạ dạ ! Thuộc hạ nói hươu nói vượn. Xin bang chúa miễn tội cho !
Rồi y khom lưng thi lễ vội vã ra khỏi phòng.
Một lúc sau, quần hào rút lui hết. Trong phòng chỉ còn lại Triển Phi và Thị Kiếm.
Triển Phi bị trọng thương, nhưng mọi người không biết Bang chúa định xử trí với gã ra sao ?
Bang chúa đã không có hiệu lệnh, họ đành để mặc gã ở lại trong phòng, không ai dám đỡ gã ra ngoài để điều trị.
Triển Phi vừa bị gãy tay vừa bị nội thương, gã đau đớn vô cùng, mồ hôi trán toát ra đầm đìa. Gã thấy mọi người lui ra cả rồi thì căm hận nghiến răng nói:
-Mi muốn hành hạ ta phải không ? Vậy mi hạ thủ mau đi ! Nếu Triển mỗ mà mở miệng van xin mi một câu thì không phải là hảo hán.
Chàng thiếu niên lấy làm kỳ hỏi:
-Ta hành hạ ngươi làm chi ? Hừ ! Cánh tay ngươi gãy rồi cần phải tiếp lại mới được. Trước kia con A Hoàng của ta từ sườn núi ngã lăn xuống hố bị gãy chân. Chính ta đã tiếp cho nó đấy.
Nguyên chàng thiếu niên là người tư chất thông minh rất mực. Hai mẹ con chàng ẩn lánh trên chốn rừng hoang. Bất luận việc gì chàng cũng phải ra tay làm lấy. Vì thế mà chàng còn nhỏ tuổi, song các việc trồng rau nấu cơm, vặn thừng đan rỗ rá, chàng làm được hết. Con chó A Hoàng bị gẫy chân, chàng dùng thanh gỗ buộc cho nó. Không đầy mười ngày nó đã khỏi hẳn. Chàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn quanh để xem có mảnh cây nào không để bó xương cho Triển Phi.
Thị Kiếm thấy bang chúa ngó qua ngó lại liền hỏi:
-Thiếu gia muốn kiếm chi vậy ?
Chàng thiếu niên đáp:
-Ta kiếm một mảnh cây.
Thị Kiếm liền tiến lại hai bước, quỳ xuống nói:
-Thiếu gia ! Nô tỳ xin thiếu gia tha cho y ! Thiếu gia ! đã lừa gạt và hưởng thụ vợ con y rồi. Dĩ nhiên, y căm hờn, tuy có phạm thượng nhưng chưa đả thương thiếu gia. Nếu thiếu gia muốn hạ sát y thì chém gã một đao cho rồi đời. Xin thiếu gia đừng dày vò hành hạ y làm chi, tội nghiệp !
Chàng thiếu niên ngơ ngác hỏi lại:
-Ta làm gì mà lừa gạt vợ con y ? Ðể hưởng thụ cái gì ? Sao ta lại hạ sát y ? Tỷ nương bảo ta muốn giết hắn ư ? Nếu ta giết người thì bất cứ ai cũng có thể giết ta được.
Trong phòng ngủ bang chúa không có mảnh cây nào cả.
Chàng liền cầm chiếc ghế giơ lên, vặn mạnh một cái.
Hiện giờ trong người chàng âm dương hòa hợp, thủy hỏa giao thông. Thần công chàng đã thành tựu nên sức mạnh vô cùng.
Rắc một tiếng ! Chiếc chân ghế đã gãy rời.
Chàng thiếu niên không biết nội lực mình ghê gớm, tưởng là ghế mục liền lẩm bẩm một mình:
-Chết chưa ! Cái ghế này hư rồi mà cứ để đây. Ai vô ý ngồi lên không khỏi ngã lăn kềnh.
Chàng quay ra bảo Thị Kiếm:
-Thị Kiếm tỷ nương ! Tỷ nương qùy lụy làm chi vậy ? Dậy đi thôi !
Nói rồi chàng tiến lại gần Triển Phi, bảo gã:
-Ngươi đừng nhúc nhích nghe ! Triển Phi tuy mồm miệng bướng bỉnh, nhưng thấy bang chúa nội lực hùng hậu vô cùng. Gã chẳng hiểu đối phương đang sắp làm cách gì hiểm độc để hành hạ mình. Gã không tự chủ được nữa run lên bần bật. Hai mắt nhìn chằm chặp vào chiếc chân ghế mà chàng thiếu niên đang cầm trong tay. Gã nghĩ thầm:
-Dĩ nhiên không phải hắn cầm chân ghế lại để đánh mình. Nếu hắn chỉ đánh mình bắng chân ghế thì chẳng hóa ra phúc đức lắm ư ? Trời ơi ! Chắc hắn tọng chân ghế vào mồm qua cổ họng xuống đến dạ dày để mình sống không được, chết chết chẳng chết cho.
Nguyên bang Trường Lạc rất nhiều hình phạt cực kỳ khốc liệt. Trong những hình phạt này có một thứ tên gọi Khai khẩu tiếu .
Hình phạt Khai khẩu tiếu là dùng một cây côn gỗ tọng vào miệng phạm nhân xuyên qua cổ họng xuống đến dạ dày. Kẻ thụ hình chỉ đau khổ vô cùng mà không chết ngay được.
Triển Phi thấy bang chúa cầm khúc chân ghế lại thì nghĩ ngay tới mình sắp phải chịu cực hình Khai khẩu tiếu . Gã đang sợ hết hồn thì thấy bang chúa đã đến trước mặt.
Gã đâm liều giơ tay trái lên vung chưởng đánh vào chàng thiếu niên.
Chàng thiếu niên không nghĩ gã có ý đả thương mình, vẫn thản nhiên nói:
-Chớ có cử động ! Chớ có cử động !
Chàng vừa nói vừa vươn tay ra chụp lấy cổ tay trái đối phương.
Tay chàng thiếu niên vừa đụng vào cổ tay triển Phi thì gã cảm thấy nửa người tê nhức, không cậy cựa được.
Chàng thiếu niên liền đặt nửa chân ghế vào cánh tay gẫy của Triển Phi rồi quay lại bảo Thị Kiếm:
-Thị Kiếm tỷ nương ! Có đoạn dây nào không ? Tỷ nương buộc lại cho y đi !
Thị Kiếm rất lấy làm kỳ hỏi:
-Thiếu gia định tiếp xương cho y thật ư ?
Chàng thiếu niên cười đáp:
-Tiếp xương là tiếp xương ? Chẳng lẽ tiếp xương lại còn chuyện thật giả nữa ư ? Tỷ nương coi y đau đớn đến thế này sao còn nói dỡn hoài ?
Thị Kiếm trong lòng bán tín bán nghi, nhưng ả vẫn đi kiếm một khúc dây đem đến bên hai người.
Ả đưa mắt nhìn thiếu niên một lần nữa rồi ngoan ngoãn cầm dây cột khúc chân ghế vào cánh tay gãy của triển Phi.
Chàng thiếu niên chăm chú nhìn Triển Phi buộc xong liền tủm tỉm cười nói:
-Hay lắm ! Tỷ nương buộc rất êm ru, chắc chắn so với ngày trước ta buộc chân con A Hoàng còn khéo hơn nhiều.
Triển Phi không nhúc nhích được đành lặng lẽ ngồi yên để Thị Kiếm buộc tay.
Gã nghĩ thầm:
-Thằng giặc non độc ác dâm đãng này chắc nghĩ ra trò gì mới lạ hành hạ mình để tiêu khiển chơi đây.
Gã còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe chàng thiếu niên nói đến con A Hoàng gãy chân, gã không nhịn được nữa hỏi xen vào:
-A Hoàng là ai ?
Chàng thiếu niên đáp:
-A Hoàng là A Hoàng, là con chó của ta nuôi. Nhưng tiếc thay ! Nó đi mất rồi không tìm thấy nữa.
Triển Phi không hiểu, tưởng chàng thiếu niên bảo tiếp tay cho mình lại kể chuyện tiếp chân gãy cho con chó, thì cho là chàng coi mình như một giống súc sinh.
Gã nổi giận hầm hầm lớn tiếng la:
-Ta là nam tử hán, là đại trượng phu. Mi muốn giết ta thì được chứ không thể làm nhục ta. Mi định giết ta sao không hạ thủ ngay đi mà còn đem ví ta với con vật.
Chàng thiếu niên vội nói:
-Không, không ! Không phải đâu ! Ðây là ta kể chuyện ngày trước chứ có phải khinh nhờn đại ca đâu ? Ðại ca đừng giận ta ! Ta trót lỡ lời, xin đại ca tha lỗi cho.
Chàng vừa nói vừa chắp tay nghiêng mình. Chàng thiếu niên thành thực xin lỗi, nhưng Triển Phi thấy chàng chắp tay thì lại tưởng chàng làm trò để phóng nội lực đả thương mình.
Gã lẩm bẩm:
-Thằng cha này bản tính kiêu ngạo vô lễ. Hạng người như hắn còn coi ai ra gì. Có lý đâu lại đi xin lỗi kẻ thuộc hạ bao giờ ?
Tuy gã nghĩ vậy nhưng biết công lực chàng thiếu niên cực kỳ lợi hại, bất giác gã nghiêng người đi né tránh. Cặp mắt gã láo liên nhìn chàng thiếu niên để xem chàng giở trò gì ?
Chàng thiếu niên ôn tồn hỏi:
-Phải chăng đại ca họ Triển ? triển đại ca ! Ðại ca vể nghỉ đi. Cẩu Tạp Chủng này ăn nói vụng về thành ra đắc tội với Triển đại ca. Triển đại ca đừng trách ta nhé!
Triển Phi cả kinh nghĩ thầm:
-Ô hay ! Sao lại kỳ vậy ? Thằng lỏi này tự xưng là Cẩu Tạp Chủng ư ? Chẳng lẽ hắn lại dùng danh từ mới mẻ này để thóa mạ mình ?
Thị Kiếm lại nghĩ khác. Ả than thầm:
-Thiếu gia vừa tỉnh táo lại một chút. Bây giờ tâm thần y đã trờ lại hồ đồ mất rồi !
Ả liếc mắt nhìn chàng thiếu niên thì thấy chàng vẫn trố mắt ra, cặp lông mày nhíu lại ra chiều suy nghĩ. Ả liền đưa mắt ra hiệu cho Triển Phi bảo gã nên rút lui cho lẹ.
Nhưng Triển Phi vẫn chưa chịu ra ngay, gã lớn tiếng mắng:
-Thằng lỏi họ Thạch kia ! Ta không muốn mi giở giọng nói dài dòng. Mi muốn giết ta, ta cũng không trốn được đâu. Ta vui lòng chết chẳng muốn sống thêm mấy khắc nữa mà chi. Ngươi hạ thủ giết ta mau đi.
Chàng thiếu niên lấy làm kỳ nói:
-Ðại ca thiệt là hồ đồ, không ai nín cười được ! Ta làm gì mà giết đại ca ? Mỗi lần mẫu thân ta nói chuyện cổ tích cuối cùng người cũng dạy một câu: Kẻ hư đốn mới giết người, còn người tử tế không bao giờ giết người. Dĩ nhiên ta không làm kẻ hư đốn.
Thị Kiếm đứng bên không nhịn được liền nói xen vào:
-Triển hương chủ ! Bang chúa đã tha cho hương chủ, sao còn chưa đi nghỉ, ngồi đây làm chi nữa ?
Triển Phi đưa tay trái lên sờ đầu sờ tai tự hỏi:
-Không hiểu thằng giặc non hồ đồ hay là mình hồ đồ.
Thị Kiếm dậm chân nói:
-Ði đi ! Hương chủ đi đi !
Ả vừa giục vừa đưa tay đẩy gã ra ngoài phòng.
Chàng thiếu niên cười ha hả nói:
-Thằng cha đó thật là đáng tức cười. Y mồm năm miệng mười bảo ta muốn giết y. Y làm như ta thích giết người lắm vậy và y coi ta như một kẻ rất hư đốn, rất xấu xa !
Thị Kiếm từ khi hầu hạ Bang chúa đến nay, đây là lần thứ nhất ả thấy Bang chúa đột nhiên mở lòng lương thiện tha chết cho một kẻ thuộc hạ phạm trọng tội. Ả vui mừng khôn xiết tủm tỉm cười nói móc:
-Dĩ nhiên, thiếu gia là người rất tốt, rất tử tế. Có là người tốt, người tử tế mới cướp vợ con người ta, khiến cho vợ chồng họ phải ly tán !
Ả nói đến đây, giọng nói biến thành chua cay. Nhưng rồi ả nghĩ tới Bang chúa hốt hỉ hốt nộ, biêt đâu y chẳng trở mặt hành hung mình. Ả không dám mỉa mai thái quá, liền dừng lại không nói nữa.
Chàng thiếu niên lấy làm kỳ hỏi:
-Ta cướp vợ con người ư ? Cướp đoạt thế nào ? Cướp đoạt đem về làm gì ?
Thị Kiếm đỏ bừng mặt lên đáp:
-Thiếu gia là người tốt mà sao nói toàn giọng hạ lưu ? Té ra chỉ giả vờ đứng đắn được một lúc rồi đuôi cáo lại thò ra.
Thiếu gia ơi ! Nghe tiểu tỳ nói đây :
-Thiếu gia tốt lắm ! Thiếu gia làm người tốt càng hay. Tiểu tỳ cảm ơn thiếu gia, nếu thiếu gia chịu giả vờ lâu hơn một chút.
Chàng thiếu niên trố mắt miệng há hốc ra hỏi:
-Thị Kiếm tỷ nương nói gì mà nhiều lắm thế ? Ta không hiểu chi hết.
Lúc này chàng thiếu niên cảm thấy dường như tinh lực đầy rẫy phải phát tán ra ngoài. Cặp mắt chàng sáng quắc.
Thị Kiếm ngấm ngầm kinh hãi. Ả tưởng rằng lửa dục chủ nhân lại bốc lên, liền lùi đến bên cửa để phòng nếu chủ nhân ra tay tẩm nã bắt mình thì lập tức nhảy vọt ra ngoài.
Thực ra ả tự lượng võ công bang chúa còn hơn ả gấp trăm lần. Nếu chàng đã dỡ trò cường bạo thì không tài nào thoát khỏi độc thủ của chàng. Trước kia mấy lần gặp bước nguy nan bị chủ nhân ép liễu nài hoa. Ả phải đem cái chết ra mà đe dọa, kiên quyết không khi nào chịu ép một bề, mới giữ được tấm thân trong trắng.
Lúc này Thị Kiếm thấy cặp mắt chàng thiếu niên láo liên trông như mắt con dã thú sắp vồ mồi thì kinh hãi vô cùng, không dám nói giọng mỉa mai. Ả nghiêm trang nói:
- Bệnh tình thiếu gia hãy còn trầm trọng chưa bình phục đâu. Vậy thiếu gia nên nghỉ ngơi nhiều cho mau khỏi.
Chàng thiếu niên lắc đầu nói:
-Từ lúc xuống giường tới giờ, ta gặp không biết bao nhiêu là sự việc mịt mờ. Hởi ôi ! Thiệt ta ngu độn, hoàn toàn chẳng hiểu gì hết.
Chàng nói xong hai tay bám vào thành ghế. Dường như nội lực chàng phát huy nhiều quá, đầy rẫy trong người. Nó chạy rần rần khắp thân thể rất khó chịu. Hai bàn tay không ngớt bóp vào thành ghế.
Chiếc ghế này làm bằng thứ gỗ tử đàn rất chắc chắn. Ngờ đâu, chàng mới bóp vài cái đã nghe thấy tiếng sào sạo. Kình lực tới đâu, gỗ nát vụn ra như cám tới đó rồi rớt xuống đất.
Chàng thiếu niên chẳng hiểu ra sao, ngấm ngầm kinh hãi trong lòng, chàng lẩm bẩm:
-Cái ghế này ! làm sao lại nát vụn ra thế được ?
Thị Kiếm thấy vậy thì thộn mặt ra. Ả biết nội lực của chủ nhân đã đến mực thần knh quỷ khiếp. Lòng ả vừa hồi hộp lo sợ lại vừa khấp khởi mừng vui. Ả mừng ở chổ thần công chủ nhân mình luyện được thành tựu và nội lực chàng tuyệt thế vô song. Có thể thành người đệ nhất thiên hạ. Nhưng ả nghĩ tới võ công chủ nhân trở thành thiên hạ vô địch thì tội dâm ác của chàng không còn ai kiềm chế được. Khi nào chàng khỏi bệnh rồi tha hồ mà làm mưa làm gió, ngang ngược trên chốn giang hồ và tội nghiệp sẽ chất thành non cao.
Chàng thiếu niên ngớ ngẩn nói:
-Ghế mà làm bằng thứ cây mềm như bún thế này thì ngồi làm sao được ?
Nguyên từ thuở nhỏ chàng đã được gặp cơ duyên kỳ lạ luyện thành công phu âm hàn độc chưởng cực kỳ lợi hại. Nếu đến trạc tuổi hai mươi mà không tìm được thứ nhân sâm thành hình hay cây thư ô sống đã ngàn năm là những thứ dược liệu rất quý báu để giải khai, tất bị chất độc phát tác làm cho chết người. Nguyên người đã truyền thụ công phu này cho chàng cũng không phải vì lòng tử tế, mà cố ý hại mạng chàng một cách lâu dài.
Ai ngờ trời kia đất nọ xui nên, chàng lại gặp Ma Thiên cư sĩ Tạ Yên Khách truyền môn Viêm viêm công cho chàng. Ma Thiên cư sĩ tưởng chàng là đệ tử của một cao nhân nào, lão chắc sư phụ chàng đã truyền phép phát tán khí âm hàn cho chàng. Sự thực người truyền thụ âm hàn độc chưởng cũng giống như Tạ Yên Khách đều có manh tâm muốn cho chàng luyện công để đi đến chổ táng mạng chứ hắn cũng chẳng tử tế gì.
Khéo sao môn độc chưởng mà chàng thiếu niên đã học được, lúc phát huy kình lực lại tương tự như môn Hàn ý miên chưởng của Nhất Nhật Bất Quá Tứ Ðinh Bất Tứ. Sự thực độc chưởng chàng chỉ giống Hàn ý miên chưởng chứ không phải là Hàn ý miên chưởng chính thức.
Dù sao môn độc chưởng của chàng cũng là một loại âm hàn, nếu luyện nội công thuần dương vào mà không được cao nhân chỉ điểm cách hóa giải thì đến lúc hai luồng nội lực âm dương xung kích nhau cũng đi đến chỗ chết một cách thảm khốc.
Chàng thiếu niên luyện môn Viêm viêm công được mấy năm. Quả nhiên hôm ấy hai luồng âm dương xung kích nhau kịch liệt đáng lẽ chết ngay. Chàng may mắn gặp được Bối Hải Thạch đến bên. Y dùng luồng nội công tinh thuần bảo vệ tâm mạch cho chàng mới tạm thời duy trì mạng sống được một thời gian.
Lần thứ hai, đang lúc nguy nan thì lại gặp được Triển Phi phóng chưởng đánh trúng vào huyệt Ðản trung để báo thù. Nhờ đó mà những huyết ứ đọng trong huyệt Ðan điền được nôn ra.
Bây giờ thủy hỏa giao tế, nội lực thuần dương chẳng những không làm tổn hại đến thân thể chàng mà nó còn trở nên một luồng nội lực ghê gớm cổ kim chưa từng có.
Chàng thiếu niên đâu có hiểu được như vậy, chàng vẫn lơ mơ như người trong mộng. Ðầu óc đã lơ mơ thì thấy việc quái dị càng lấy làm kỳ. Thậm chí chàng chẳng còn biết đầu là sự thực, đâu là huyền ảo.
Thị Kiếm khẽ hỏi:
-Thiếu gia đã tha tính mạng cho Triển Phi lại tiếp cốt cho y mà sao còn thóa mạ y là súc sinh ? Vì thế mà y càng căm hận thiếu gia thấu xương.
Ả thấy những tia sáng khác lạ ở mắt bang chúa, liền không chờ chàng trả lời đã vội vã lui ra.
Chàng thiếu niên lắc đầu nói như để mình nghe:
-Lạ thiệt ! Lạ thiệt !
Bỗng chàng ngó thấy hộp tượng đất còn đặt ngay ngắn trên bàn liền bụng bảo dạ:
-Tượng đầt còn cả đây. Dường như là sự thực chứ không phải ngủ mơ.
Chàng mở nắp hộp lấy tượng đất ra coi. Hiện giờ thần công mới thành tựu, chàng chưa hiểu cách thu phát như thế nào, cũng chẳng biết nội lực mình đã ghê gớm đến mức nào. Như mọi khi, tay chàng mâm mê tượng đất.
Bỗng sạo sạo mấy tiếng phát ra. Bao nhiêu lớp phấn trát ngoài tượng vỡ ra lả tả rớt xuống.
Chàng thiếu niên la lên một tiếng:
-Úi chao !
Chàng còn đang ngơ ngẩn tiếc là mình đã làm hư pho tượng đất thì bỗng ngó thấy lần gỗ đen nhánh bên trong lộ ra. Tính tinh nghịch lại nổi lên, chàng bóp nát hết những lớp phấn bọc ngoài để trơ tượng gỗ bên trong. Tượng gỗ cũng lỏa lồ thần thể. Mình tượng gỗ này đen bóng như chùi dầu, và chỉ vẻ toàn những đường chỉ đen, chứ không ghi những vị trí các huyệt đạo như ở lớp phấn bên ngoài. Tướng mạo gỗ khác hẳn với tượng đất lúc trước.
Chàng thiếu niên thấy những tượng gỗ điêu khắc rất tinh xảo, linh động như người thật. Hình tượng gỗ này hai tay ôm bụng toét miệng ra mà cười, trông rất hoạt kê.
Chàng thiếu niên nhìn ngắm một cách thích thú. Hiện nay tuy chàng đã gần hai chục tuổi mà tính trẻ nít hãy còn.
Trước kia những hình nhân này ngoài tô một lớp phấn dầy có vẻ đủ các đường kinh mạch và huyệt đạo. May mấy năm nay ngày nào chàng cũng coi đến để tập luyện, thành ra đã thuộc lòng hết.
Chàng thiếu niên bóc hết lớp phần ngoài một pho tượng thấy hình thù bên trong hay hay, chàng liền bóc đến những pho khác thì quả nhiên trong mỗi pho đều lòi ra một hình nhân bằng gỗ vẻ mặt không giống nhau. Mặt tượng này cười cợt hả hê, mặt tượng kia khóc mếu nhăn nhó. Có hình lại vẻ mặt hầm hầm ra chiều giận dữ, có hình lầm lỳ trầm ngâm, cặp mắt đăm chiêu.
Ngoài ra những đường kinh mạch trên tượng gỗ tuy tương tự như ở ngoài lớp phấn song về cách vận công lại theo những đường lối khác hẳn.
Chàng thiếu niên nghĩ bụng:
-Những tượng gỗ này cũng hay đây. Ta thử chiếu theo những đường vẽ trên mình tượng để luyện công coi. Nhưng biết luyện theo tượng hình nào trước bây giờ?
Chàng cầm lấy một pho coi mặt rồi lẩm bẩm:
-Cái mặt này khóc mếu khó coi lắm, không chơi. Mình luyện tập rồi lại giống ông ta thì chỉ ngồi mà khóc thì chán chết.
Chàng cầm lấy pho tượng đang toét miệng cười lên coi nhưng chàng cho là bộ mặt này cũng chớt nhả không hay rồi đặt xuống.
Sau chàng lựa lấy một pho tượng nét mặt hòa nhã vui tươi, nhưng có vẻ đứng đắn rồi bụng bảo dạ :
-Ông này được đây ! Ta dùng để luyện công.
Chàng thiếu niên liền ngồi xếp bằng đặt pho tượng gỗ vui tươi ở trước mặt. Chàng khẽ vận chân khí trong huyệt Ðan điền thì thấy một luông khí ấm áp từ từ đưa lên. Chàng điều động cho chân khí theo những đường vẽ trên tượng gỗ đi thông vào các huyệt đạo.
Nguyên trên tượng gỗ này vẽ tượng hình về môn La hán phục ma thần công của một vị thần tăng phái Thiếu Lâm sáng lập ra. Môn thần công này là để luyện sau khi nội công Phật gia đã tập thành rồi.
Mỗi một pho tượng gỗ là một vị La Hán.
Môn La Hán phục ma thần công này thật là vi diệu vô cùng, không phải người thường ai cũng luyện được. Bước đầu là phải có công phu thâm hậu để trấn áp tâm thần về nguyên vị. Nguyên một điểm này hàng vạn người chưa chắc đã tìm thấy một.
Muốn luyện La hán phục ma thần công phải bỏ hết tạp niệm thì công cuộc tu luyện mới có công hiệu. Những người tư chất ngu độn thì lại không đủ sáng suốt để thông tỏ những biến hóa thiên hình vạn trạng của môn tuyệt kỹ này. Vậy cần phải một người thông minh, nhưng chất phác bình tỉnh. Cái khó lựa được người trúng cách là ở chỗ đó.
Truyện kiếm hiệp online hay nhất tại truyenkiemhiepso1.blogspot.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét