Hồi 66
Dưỡng Nguyên Đạo Trưởng
Tiết Lộ Thân Thế Cổn Long Vương
Đỗ Thiên Ngạc biết đạo nhân nhìn thấy bộ áo mình nên sinh lòng nghi hoặc, liền đáp:Tiết Lộ Thân Thế Cổn Long Vương
– Tiểu đệ là Đỗ Thiên Ngạc.
Ba vị đạo nhân này ít khi lui tới giang hồ nên chưa từng nghe thấy ai đề cập đến Đỗ Thiên Ngạc, chắp tay tươi cười nói:
– Xin chào Đỗ đại hiệp!
Thượng Quan Kỳ chắp tay nói tiếp:
– Kẻ hậu tiến là Thượng Quan Kỳ, mong được liệt vị chỉ giáo.
Đạo trưởng râu đốm bạc nói:
– Chào Thượng Quan đại hiệp!
Ngừng một lát lão lại nói tiếp:
– Hai vị bôn tẩu giang hồ đã lâu, tại hạ đề cập đến một người, chẳng hiểu hai vị có quen biết không?
Đỗ Thiên Ngạc hỏi:
– Chưa hiểu đạo trưởng nói ai?
Thượng Quan Kỳ đột nhiên nói xen vào:
– Chúng tôi chưa hiểu pháp hiệu của ba vị đạo trưởng là gì?
Đạo nhân đáp:
– Bần đạo pháp danh là Dưỡng Chính.
Đoạn lão hỏi tiếp:
– Hai vị có quen biết Cổn Long Vương không?
Đỗ Thiên Ngạc đáp:
– Nói là biết cũng phải mà bảo là không biết cũng đúng.
Dưỡng Chính đạo trưởng lấy làm kỳ, hỏi:
– Đại hiệp nói vậy là nghĩa làm sao?
Đỗ Thiên Ngạc đáp:
– Bọn tại hạ đã gặp Cổn Long Vương, nhưng chưa được trông rõ bộ mặt thật của y. Chẳng những mình tại hạ mà hầu hết mọi người trong võ lâm cũng ít người được trông thấy chân tướng y.
Dưỡng Chính đạo trưởng lấy làm kỳ hỏi:
– Bần đạo ít khi bước chân vào chốn giang hồ nên hiểu biết rất ít. Xin lỗi đại hiệp nói rõ cho nghe.
Đỗ Thiên Ngạc cười nói:
– Quanh năm Cổn Long Vương đeo mặt nạ, che kín chân tướng đi. Vì không thấy rõ bộ mặt thật y nên y mừng hay y giận cũng không biểu lộ ra ngoài mặt.
Dưỡng Chính nói:
– À ra thế đấy.
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
“Lão đã bấy nhiêu tuổi mà vẫn chưa hiểu việc giang hồ, thì những việc kỳ dị nói với lão hàng ngày cũng không hết”.
Dưỡng Chính đạo nhân lại nói:
– Bần đạo có nghe người ta nói dưới trướng Cổn Long Vương có một đội thị vệ áo đen. Y phục của bọn họ cũng giống các hạ đây.
Đỗ Thiên Ngạc nói:
– Dạ đúng thế! Bộ áo tại hạ mặc đây chính là y phục của đội thị vệ dưới trướng Cổn Long Vương.
Dưỡng Chính biến sắc hỏi:
– Nếu vậy thì hai vị nhất định là thủ hạ Cổn Long Vương rồi!
Đỗ Thiên Ngạc trầm ngâm một lát, cười hỏi lại:
– Phải chăng đạo trưởng muốn kiếm Cổn Long Vương?
Dưỡng Chính đạo nhân nghiêm nét mặt đáp:
– Nếu hai vị là thuộc hạ Cổn Long Vương thì xin đi với bọn bần đạo.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Đi đâu bây giờ?
Dưỡng Chính đáp:
– Đi ra mắt chưởng môn tệ phái.
Đỗ Thiên Ngạc nhíu cặp lông mày nói:
– Nếu vậy thì hay. Xin đạo trưởng cứ đi trước dẫn đường cho.
Dưỡng Chính đạo nhân đưa mắt ra hiệu cho hai đạo nhân râu đen rồi trở gót đi trước.
Hai đạo nhân râu đen chưa có kinh nghiệm giang hồ, trong bụng nghĩ làm sao là lập tức để lộ ra ngoài mặt. Hai lão tỏ vẻ khẩn trương, chia hai người đi hai bên theo sát Đỗ Thiên Ngạc cùng Thượng Quan Kỳ.
Thượng Quan Kỳ tủm tỉm cười nói:
– Tại hạ từng nghe tiếng Dưỡng Nguyên đạo trưởng phái Võ Đương, chúng ta đến ra mắt người đi!
Đỗ Thiên Ngạc quay lại nhìn hai vị đạo nhân cười nói:
– Hai vị đạo huynh bất tất phải hoang mang. Chúng tôi quyết chẳng chạy đi đâu.
Hai dạo nhân râu đen đưa mắt nhìn nhau, mặt đỏ bừng lên.
Dưỡng Chính rảo bước dẫn đường đi hết khu cổ mộ, đằng xa đã thấy một ngôi chùa nhỏ.
Thượng Quan Kỳ quay lại hỏi lai vị đạo nhân:
– Qúy chưởng môn ở cách đây bao xa?
Một đạo nhân giơ tay trỏ về phía chùa cổ đáp:
– Ở trong ngôi chùa cổ kia.
Dưỡng Chính đột nhiên đi mau hơn, một lát đã đến phía ngoài một ngôi chùa nát.
Ngôi chùa này chỉ có ba gian, thoáng nhìn đã trông rõ hết cảnh vật trong chùa.
Một đạo nhân đầu tóc bạc phơ ngồi xếp bằng bên án thờ, vẻ mặt trang nghiêm, khiến ai trông thấy cũng đem lòng kính trọng.
Dưỡng Chính đạo trưởng khẽ nói:
– Xin hai vị hãy chờ một chút, để tại hạ vào bẩm trước...
Đạo trưởng tóc bạc đang ngồi nhắm mắt dột nhiên mở bừng mắt ra nói:
– Ta đã biết rồi.
Dưỡng Chính vội chắp tay nói:
– Tiểu đệ mời được hai vị biết rõ hoạt động của Cổn Long Vương.
Đạo trưởng tóc bạc tủm tỉm cười nói:
– Xin mời hai vị vào đây!
Đỗ Thiên Ngạc vào trước, Thượng Quan Kỳ theo sau. Hai người còn cách đạo trưởng chừng bốn năm thước, đột nhiên chắp tay nói:
– Tại hạ xin ra mắt đạo trưởng.
Đạo nhân tóc bạc tủm tỉm cười nói:
– Không dám! Bần đạo là Dưỡng Nguyên chưa được biết quý tính cao danh hai vị tráng sĩ.
Đỗ Thiên Ngạc cùng Thượng Quan Kỳ chắp tay xưng danh.
Dưỡng Nguyên gật đầu cười nói:
– Trong ngôi chùa cổ chốn rừng hoang này thiếu cả đến cái ghế mời khách ngồi. Xin mời hai vị ngồi xuống chiếu vậy.
Đỗ Thiên Ngạc cùng Thượng Quan Kỳ ngồi xuống, Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Lão tiền bối vời bọn tại hạ đến đây có điều chi dạy bảo?
Dưỡng Nguyên nói:
– Bần đạo thỉnh giáo hai vị mấy việc.
Đỗ Thiên Ngạc nói:
– Xin đạo trưởng cứ nói ra.
Dưỡng Nguyên cặp mắt lim dim, bỗng hé mở chăm chú nhìn Đỗ Thiên Ngạc nói:
– Bần đạo đã ngoại bảy mươi. Mười năm trước đây đã treo kiếm, ẩn cư, không muốn hỏi han gì đến chuyện võ lâm nữa. Không ngờ trong mười năm nay trên chốn giang hồ đã xảy ra bao nhiêu việc kinh thiên động địa, mà những việc này có dính líu đến chính bần đạo, vì thế mà bần đạo bắt buộc phải trở lại giang hồ...
Dưỡng Nguyên nhìn Đỗ Thiên Ngạc nói tiếp:
– Coi bộ áo của Đỗ đại hiệp giống như người ta đồn đại thuộc đội thị vệ áo đen dưới trướng Cổn Long Vương, không hiểu đúng hay sai?
Đỗ Thiên Ngạc đáp:
– Đạo trưởng nói đúng đó! Bộ áo này là chế phục trong đội thị vệ áo đen.
Dưỡng Nguyên gật đầu nói:
– Nếu vậy Đỗ tráng sĩ hẳn được Cổn Long Vương vừa ý.
Đỗ Thiên Ngạc đáp:
– Tại hạ nói ra chỉ sợ đạo trưởng không tin. Tại hạ tuy mặc áo thị vệ trong Vương phủ, nhưng không phải là thủ hạ Cổn Long Vương.
Dưỡng Nguyên nói:
– Bần đạo quả chưa hiểu được ý tứ tráng sĩ...
Bất thình lình ngoài cửa miếu có tiếng Dưỡng Chính nói:
– Xin thí chủ hãy dừng bước, trong chùa hiện đang có khách...
Hiển nhiên lại có người vào chùa, và hình như người mới đến này không nghe lời Dưỡng Chính cứ tự tiện đi vào.
Bỗng thấy Dưỡng Chính cả giận quát lên:
– Bần đạo đã bảo thí chủ dừng bước, thí chủ không nghe thấy hay sao?
Một thanh âm gắt gỏng đáp lại:
– Nghe thấy hay không nghe thấy ta cũng cứ vào thì đã sao?
Dưỡng Chính thấy người mới đến không chịu đứng lại liền đuổi theo.
Người mới đến lạnh lùng nói:
– Quyền cước không có mắt đâu nhé, ngươi ngăn trở lão phu, nếu bị lão phu đánh cho bị thương thì đừng oán trách.
Dưỡng Nguyên nhíu cặp lông mày trắng, khẽ nói:
– Dưỡng Chính! Để thí chủ vào đây!
Tiếng bước chân vang lên, một lão giá áo xanh ẵm một thiếu nữ đầu tóc rũ rượi đi vào.
Thượng Quan Kỳ nhận ra chính là lão mà chàng đã gặp ngoài cánh đồng hoang. Chàng vội vàng chắp tay thi lễ nói:
– Xin chào lão tiền bối.
Lão khẽ gật đầu, mắt nhìn Đỗ Thiên Ngạc đăm đăm, cười lạt một tiếng rồi đột nhiên vung chưởng đánh ra.
Thượng Quan Kỳ ngồi phía trước Đỗ Thiên Ngạc, sợ Đỗ bị thương vì luồng chưởng phong rùng rợn của lão áo xanh, chàng vội vung chưởng ra ngăn lại.
Hai luồng chưởng lực mãnh liệt chạm nhau, Thượng Quan Kỳ rung chuyển cả người, suýt ngã ra.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng giơ tay ra đỡ, Thượng Quan Kỳ mới khỏi ngã.
Thượng Quan Kỳ thấy chưởng lực của lão này cực kỳ hùng hậu thì trong lòng rất là bội phục.
Lão áo xanh cười lạt nói:
– Gã tiểu tử kia giỏi đấy! Chống nổi một chưởng của lão phu.
Thượng Quan Kỳ tủm tỉm cười nói:
– Lão tiền bối quá khen.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng tủm tỉm cười nói:
– Khương đại hiệp cũng bị lôi cuốn vào vòng thị phi chốn võ lâm ư?
Lão áo xanh cười lại đáp:
– Lão phu nghe tin đạo trưởng đã đóng cửa gác kiếm không dấn thân vào chốn giang hồ nữa. Ai ngờ nay lại có mặt trong trường tranh đấu này.
Dưỡng Nguyên thở dài nói:
– Bần đạo bất tài, trót đã gieo gió thì đành gặt bão chứ biết sao bây giờ?
Lão áo xanh thở dài, đặt thiếu nữ xuống.
Lão vốn là người lạnh nhạt, tiếng thở dài càng tỏ vẻ thê lương vô hạn.
Thượng Quan Kỳ hỏi xen vào:
– Thương thế lệnh ái đã bớt chưa?
Lão áo xanh đột nhiên ngẩng đầu lên, hai mắt hầm hầm nhìn Thượng Quan Kỳ hồi lâu tựa hồ muốn kiếm chuyện với chàng.
Thượng Quan Kỳ ngầm vận chân khí đề phòng.
Chàng nghĩ thầm trong bụng:
“Lão này thật là khó chịu. Mình vì lòng tốt mà hỏi thăm con gái lão, ngờ đâu lão ra vẻ hằn học với mình”. Bỗng thấy lão áo xanh nói:
– Thằng lõi này lớn mật thật! Vừa bị một chưởng mà chưa biết thân.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Vãn bối vì lòng tốt mà hỏi thăm...
Lão áo xanh ngắt lời:
– Việc của lão phu không cần ngươi phải quan tâm. Thế là ngươi đã phạm vào điều húy kỵ của lão phu rồi đó.
Thượng Quan Kỳ không nói gì nữa, chỉ cười thầm trong bụng. Chàng lẩm bẩm:
“Nếu trên thế gian không ai nói đến lão thì lão tìm đâu ra người để tiết hận”...
Dưỡng Nguyên đạo trưởng tuy quen biết lão áo xanh mà dường như cũng không muốn nói nhiều với lão. Đạo trưởng nhìn Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Đỗ tráng sĩ đây đã không phải thuộc hạ Cổn Long Vương sao lại vận trang phục thị vệ áo đen, thực khiến cho bần đạo không thể hiểu được.
Thượng Quan Kỳ đáp:
– Hai phe đánh nhau phải dùng kỳ mưu, thì cả hai phe đều cho người vào do thám bên địch. Lão tiền bối bất tất phải lo ngại.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng nói:
– Cổn Long Vương rất nhiều ngụy kế, nếu Đỗ tráng sĩ không có đủ bằng chứng thì bần đạo khó lòng tin được.
Lão áo xanh đột nhiên nói xen vào:
– Đạo huynh bất tất phải đa nghi. Vị này tiếng tăm lừng lẫy ngoài quan ải, quyết không phải thủ hạ Cổn Long Vương. Nếu có sai lầm lão phu xin chịu trách nhiệm.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng cười nói:
– Một lời Khương huynh coi trọng bằng non, lẽ nào bần đạo lại không tin?
Bỗng một trận ho nhỏ nhẹ, tiếp theo là một tiếng thiếu nữ nói:
– Khát nước lắm! Cho con uống nước đi.
Lão áo xanh đối với ai cũng lạnh nhạt, song rất yêu thương con gái. Lão ẵm cô ta lên nựng:
– Con ngoan mà, đừng có la.
Rồi lão ngửng đầu lên hỏi:
– Vị nào có bình nước uống không?
Đỗ Thiên Ngạc cởi bầu nước khẽ bảo Thượng Quan Kỳ:
– Hiền đệ đưa nước cho cô nương uống.
Thượng Quan Kỳ đón lấy bầu nước từ từ đưa cho lão áo xanh khẽ nói:
– Lão tiền bối...
Lão áo xanh đón lấy bình nước chẳng thèm tạ Ơn một câu, tay ẵm con gái tay cầm bầu nước đột nhiên đứng phắt dậy đi ra khỏi chùa không một lời cáo từ.
Thượng Quan Kỳ trông theo sau lưng lão đã đi xa rồi, lẩm bẩm một mình:
“Lão này tính khí quái lạ, ăn nói cử chỉ đều trái tai chướng mắt, chắc suốt dời lão không kết bạn được với ai”.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng bỗng nói:
– Nam Ông Khương Sĩ Ẩn vì gàn dở mà nổi tiếng ở thế gian. Lão muốn làm việc gì là tự ý làm chẳng nể ai. Tuy đối với mọi người có tính kỳ quái, lạnh nhạt, bất cần phải trái, song bình sinh cũng không làm việc gì lầm lỗi lớn.
Thượng Quan Kỳ cười hỏi:
– Lão tiền bối biết lão đã lâu chưa?
Dưỡng Nguyên đạo trưởng đáp:
– Kể ra thì quen biết mấy chục năm nay, nhưng cũng vẫn nhạt nhẽo như khách qua đường.
Thượng Quan Kỳ thở dài nói:
– Con người quái gở như vậy, suốt đời không có lấy một người bạn lòng, tưởng cũng là một điều khổ sở.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng khẽ thở dài nói:
– Thế đạo vô thường, nhân tâm nan trắc. Nếu bần đạo cũng quái gở như Khương Sĩ Ẩn thì không đến nỗi gây thêm lầm lỗi lớn để tai hại cho võ lâm.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Lão tiền bối đạo cao đức rộng lừng danh bốn bể, người trong võ lâm ai không kính ngưỡng. Sao lại ví mình với Khương Sĩ Ẩn?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Vì bần đạo có lòng từ bi mới gây ra hậu quả ngày nay, nghĩ đến càng thêm xót dạ.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Lão tiền bối có thể cho nghe việc đó đễ vãn bối được hiểu đời thêm một chút chăng?
Dưỡng Nguyên đạo trưởng đột nhiên hai mắt lóe ánh hào quang nhìn Thượng Quan Kỳ và Đỗ Thiên Ngạc rồi nói:
– Bốn mươi năm trước đây, nếu bần đạo không mở lòng từ bi cứu cho một gã bị thương, để gã chết vùi chết dập bên đường, thì việc gì bây giờ trong võ lâm có tên ác quỷ Cổn Long Vương?
Thượng Quan Kỳ thộn mặt ra hỏi:
– Thế ra đạo trưởng đã có cái ơn sâu cứu mạng cho Cổn Long Vương ư?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Nếu bần đạo không có hành động lầm lỡ đó thì ngày nay làm gì còn có Cổn Long Vương”. Chỉ vì ngày trước bần đạo động mối từ tâm truyền nội công chính tông phái Võ Đương vào người gã mới cứu được thương thế. Cứu gã rồi bần đạo không ngăn nổi tấm lòng muốn truyền thụ tuyệt nghệ cho gã liền đưa gã vào chốn hoang sơn ở mấy tháng. Gã được trời phú cho óc thông minh ít người bì kịp.
Mới trong mấy tháng mà gã đã học được rất nhiều môn võ chính yếu của phái Võ Đương. Ấy mà còn may bần đạo kịp thời nghĩ đến gã không phải người bổn phái nên không chịu truyền thụ môn tuyệt học. Rồi gã bỏ ra đị..
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Gã đó chính là Cổn Long Vương ư?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Thời bấy giờ trong võ lâm chưa có ai tên là Cổn Long Vương, gã chẳng qua là tên đồ đệ phản trắc phái Thiếu Lâm. Mấy nhà sư chùa Thiếu Lâm đuổi đánh gã bị thương nằm bên đường...
Đạo trưởng thở dài nói tiếp:
– Giả tỉ mà bần đạo chỉ đến chậm một lát sau thì gã đã bỏ mạng rồi, hoặc bị dã thú ăn thịt. Nếu thương thế gã nhẹ, bần đạo cũng không cần ra tay giải cứu.
Vừa đúng lúc bần đạo đi qua thì thương thế gã lên cơn, mắt nhìn thấy gã chết đến nơi, bần đạo chạnh lòng thương ra tay cứu cấp. Thương thế gã cực kỳ nghiêm trọng, không thể chỉ dùng thuốc mà chữa được. Bần đạo phải dùng nội công chính tông mới cứu được gã để đến nỗi xảy ra tai họa ngày naỵ..
Nói đến đây lão đột nhiên thở dài không nói nữa.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Lão tiền bối cứu nhân độ thế, sao lại gọi là lầm lỗi được?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Nếu vô ý mà phạm lỗi thì còn có thể tha thứ, nhưng cố ý phạm lỗi thì không thể trách người ta hận mình được.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Đạo trưởng nói vậy là nghĩa làm sao? Vãn bối nghĩ mãi không ra.
Dưỡng Nguyên nói:
– Sau khi bần đạo cứu gã rồi. Giá việc đó kết thúc thì cũng không sao. Ngờ đâu nửa năm sau gã lại tìm đến núi Võ Đương. Bần đạo đã biết gã tâm thuật không tốt, song vẫn yêu gã có thiên tài xuất chúng. Thế rồi trong lòng nảy ra ý muốn gầy dựng cho gã thành một bậc tài cao trong phái Võ Đương. Bần đạo tự mình truyền thụ võ nghệ ngày đêm không ngớt, thấy gã có tinh thần đặc biệt không cần ngủ mà cũng không cần nghỉ ngơi thì trong bụng mừng thầm, chắc mẩm sau này gã sẽ làm rạng rỡ cho môn phái Võ Đương. Hỡi ôi! Vì tham luyến tài hoa của gã mà gây nên cục diện ngày nay.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Sớm tối gã được đạo trưởng điểm hóa cho, gã có đổi lòng hướng thiện chút nào không?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Ngày tháng vùn vụt, từ lúc gã nhập môn phái Võ Đương, thấm thoát đã hai năm. Trong khoảng thời gian này, gã không xuống núi lần nào. Về võ công gã được bần đạo truyền thụ đến bảy tám phần chân truyền rồi. Bần đạo toan truyền nốt phép Thái Cực Tuệ Kiếm là môn tuyệt nghệ để trấn sơn của bản phái, thì thốt nhiên hai cao tăng phái Thiếu Lâm tìm đến, bần đạo thân ra đón vào chùa. Hai vị vừa thấy mặt đã trách bần đạo thu tên đồ đệ phản nghịch của phái Thiếu Lâm trên bước đường trốn tránh. Tuy bần đạo cũng tỉnh ngộ ra, nhưng không khỏi o bế tên nghiệt đồ tìm lời che chở cho gã.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Phải chăng do đó mà lão tiền bối gây nên cừu hận cùng phái Thiếu Lâm?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Khi bần đạo nghe hai nhà sư tả hình dạng tên bạo đồ và kể tội gã, bần đạo liền cho gọi gã ra ngoài sảnh đường để gã thú tội cùng xin lỗi. Bần đạo đã chuẩn bị ra mặt bênh vực gã. Nào ngờ tìm nửa ngày trời chẳng thấy tông tích gã đâu nữa.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Gã biết mình mắc tội, cố nhiên phải chạy trốn.
Dưỡng Nguyên nói:
– Đã đành là gã chạy trốn, sao lúc xuống núi lại còn hạ sát một tên sư đệ canh gác tại góc đường hiểm yếu?
Thượng Quan Kỳ chau mày nói:
– Nếu thế thì tệ quá!
Dưỡng Nguyên nói:
– Bần đạo không tiện nói rõ với hai vị cao tăng chùa Thiếu Lâm, chỉ biểu hai vị là bần đạo sai gã xuống núi có việc. Trong vòng một tháng gã sẽ về chùa và khất hai vị đến tháng sau sẽ trở lại.
Đạo trưởng thở dài nói tiếp:
– Bần đạo tưởng rằng trong vòng một tháng sẽ tìm ra hành tung nghiệt đồ ở đâu và bất luận hoặc bắt sống hoặc giết chết gã để giao lại chùa Thiếu Lâm.
Nào ngờ tìm thấy lại gã, gã đã không chịu về lại vung kiếm giết luôn bốn tên sư đệ. Bần đạo được tin, lập tức thân hành đuổi theo thì gã lại trốn mất.
Thượng Quan Kỳ khỏi:
– Cổn Long Vương giảo quyệt chẳng khác chi cáo già muốn bắt sống gã thực là khó vô cùng.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng nói tiếp:
– Trông đệ tử bị chết thảm, bần đạo đau xót và hối hận vô cùng. Chỉ tại mình có tham vọng để gã trở nên người xuất sắc, mở mang môn phái Võ Đương nên mới xảy ra thảm kịch này.
Dưỡng Nguyên nói tới đây, bộ râu trước ngực rung lên, tỏ vẻ xúc động vô cùng. Đạo trưởng trầm ngâm hồi lâu rồi lại nói:
– Hạn giao người với chùa Thiếu Lâm lại gần đến nơi mà truy tầm vẫn không thấy tông tích gã đâu. Mãi đến đêm hôm trước ngày hết hạn mới có tin báo về:
– Cổn Long Vương xuất hiện tại phủ Khai Phong, vì tình thế cấp bách bần đạo đành viết thơ để lại cho hai nhà sư chùa Thiếu Lâm, nói rõ tình hình, rồi ngay đêm hôm ấy xuống núi đến phủ Khai Phong...
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Đạo trưởng có gặp được Cổn Long Vương không?
Dưỡng Nguyên đáp:
– Bần dạo đến chậm một chút, lại hai tên đệ tử phái Võ Đương đi truy tầm bị gã giết chết ngoài thành Khai Phong.
Thượng Quan Kỳ thở dài nói:
– Trên đời thật ít kẻ tàn ác như gã.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng kể tiếp:
– Sau mấy vụ thảm thương trước, bần đạo đã truyền dụ cho các đồ đệ bất luận là ai, gặp gã chỉ việc tức tốc thông tin cho bần đạo hay và một mặt theo dõi gã chứ không được động thủ. Hai gã bị Cổn Long Vương hạ sát ở Khai Phong tuyệt không có dấu vết gì, dường như không phải vì đánh nhau mà chết. Không biết gã đã dùng thủ đoạn gì để hại hai tay cao thủ Võ Đương.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Lão tiền bối có gặp Cổn Long Vương không?
Dưỡng Nguyên đạo trưởng nói:
– Bần đạo thấy đệ tử chết thảm, trong lòng phẫn nộ không nén được nữa, quyết tâm tìm cho thấy gã, dù là phải theo đuổi gã đến tận góc bể chân trời.
Không ngờ bần đạo ra đến bến sông Hoàng Hà thì gặp gã. Lúc đó người qua sông rất nhiều, bần đạo phải nhẫn nại vì sợ mình động thủ sẽ làm bị thương lây đến người vô tội, liền kiếm lời bảo gã theo về núi, đồng thời đứng sát lại bên gã, đề phòng khi có phải động thủ cũng không đến nỗi làm bị thương nhiều người. Không ngờ gã chẳng cự nự chi hết, ưng chịu theo bần đạo về núi. Đi đến chỗ bãi cát hoang vu không có vết chân người, tên bạo đồ thốt nhiên rút trường kiếm ra với vẻ mặt hung dữ, gã ra tay đánh nhau với bần đạo...
Thượng Quan Kỳ đưa mắt nhìn trộm thì thấy Dưỡng Nguyên đạo trưởng vẻ mặt hiền từ tự nhiên lộ vẻ phẫn nộ, dường như đạo trưởng vẫn canh cánh bên lòng không bao giờ quên được vụ này.
Đạo trưởng trầm ngâm hồi lâu không nói gì.
Thượng Quan Kỳ cùng Đỗ Thiên Ngạc biết Dưỡng Nguyên đang lúc thương tâm, không dám hỏi xen vào.
Bỗng thấy Dưỡng Nguyên đạo trưởng thở dài nói tiếp:
– Bần đạo kịch chiến với tên nghiệt đồ trong ba giờ, mặt trời đã lặn, mặt trăng dã mọc mà vẫn chưa phân thắng bại. Võ công của tên bạo đồ rất phức tạp.
Ngoài những môn của phái Võ Đương cùng phái Thiếu Lâm, gã còn nhiều chiêu thuật kỳ bí, khiến cho bần đạo phải thi triển môn trấn sơn tuyệt nghệ của bản phái là Thái Cực Tuệ Kiếm để chiến đấu với gã mới khỏi bị thương dưới lưỡi kiếm của gã. Rồi gã lại tẩu thoát.
Ngừng giây lát, Dưỡng Nguyên kể tiếp:
– Lúc gã chạy, có tung ra một nắm thuốc bột, bần đạo không kịp đề phòng hít phải một chút. Vì trúng phải thuốc kịch độc, bần đạo liền tạm bỏ việc đuổi theo tên bạo đồ, quay về núi chữa bệnh. Thứ thuốc của gã lợi hại quá, bần đạo phải uống luôn một lúc mười viên Tích Độc Thần Đơn và phải điều trị nửa năm mới khỏi. Nhưng từ bấy giờ tên bạo đồ cũng mai danh ẩn tích. Bần đạo cùng người phái Thiếu Lâm đi truy tầm gần một năm mà không tìm ra nơi gã ẩn thân. Sau một năm bần đạo trở về núi Võ Đương thì lại được mục kích một việc thảm khốc kinh người.
Đêm hôm trước ngày bần đạo về tới núi Võ Đương, chùa Tam Nguyên phát sinh một việc bi thảm. Một người bịt mặt đương đêm lên núi Võ Đương giết một trong bốn vị đại hộ pháp chùa Tam Nguyên, còn ba vị nữa bị trọng thương. Giữa đám đệ tử đông đảo vây đánh mà gã ung dung tung người lên đi mất. Cứ theo bọn đệ tử thuật lại thì đúng là Cổn Long Vương. Thế là lòng từ thiện của bần đạo lại gây thêm một vụ bi thảm nữa.
Thượng Quan Kỳ thấy nét mặt đạo nhân rầu rầu buồn thảm, muốn tìm mấy câu an ủi mà không biết nói sao. Chàng chỉ thở dài ngồi yên.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng ngẩng mặt lên nhìn nóc nhà nói tiếp:
– Bần đạo còn một điều đau khổ nữa vẫn giấu kín ở góc lòng, lúc nào cũng khắc khoải bồn chồn.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Đạo trưởng có việc gì xin cứ nói ra, nếu tại hạ có thể làm được thì...
Bỗng chàng biết rằng mình lỡ lời vì chưởng môn phái Võ Đương địa vị cao cả, lại ở trước mặt bao nhiêu đệ tử trong phái, thiếu chi tay cao thủ mà cần đến mình giúp sức, nên chàng thôi không nói nữa.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng từ từ để mắt chăm chú nhìn Thượng Quan Kỳ nói:
– Việc này bần đạo giấu kín tận đáy lòng đã lâu chưa từng nói với ai.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Nếu là việc bí mật của quý phái thì tại hạ không dám nghe.
Dưỡng Nguyên nói:
– Bần đạo chẳng còn sống được mấy nỗi, đành phải nói ra.
Đạo trưởng lại thở dài nói tiếp:
– Mấy chục năm nay nhân tài phái Võ Đương mỗi ngày một mòn mỏi, bần đạo muốn tìm người kế nghiệp nên đã đi tìm khắp nơi, hai miệt Nam Bắc sông Đại Giang chẳng đâu là không có vết chân. Song bậc hiền tài chỉ may mà gặp được, chứ tìm đâu cho thấy? Vì thế mà bần đạo thu nạp Cổn Long Vương vào làm môn hạ phái Võ Đương với triển vọng sau này gã mở mang cho môn phái, ngõ hầu oai danh mấy trăm năm khỏi bị trôi theo dòng nước.
Thượng Quan Kỳ thở dài nói:
– Nỗi khổ tâm của đạo trưởng thật đáng phàn nàn?...
Dưỡng Nguyên đạo trưởng đôi mắt sáng như điện lại chăm chú nhìn Thượng Quan Kỳ từ đầu xuống gót chân, luôn luôn gật đầu nói:
– Việc lựa chọn chưởng môn cho môn phái quan hệ thế nào chắc tráng sĩ cũng biết rồi.
Thượng Quan Kỳ lắc đầu đáp:
– Điều đó vãn bối quả là chưa biết.
Dưỡng Nguyên đạo trưởng nói:
– Chưởng môn đã phải duy trì danh dự cho bản phái lại phải tìm cách tiếp tục mở rộng môn phái ra.
Tuy đó là hai việc nhưng thực chỉ là một. Thông thường thì việc lựa chọn người chưởng môn sau này là tìm kẻ có tài đức trong hàng đệ tử bản phái để giáo huấn rèn luyện thành tài rồi cất nhắc lên, cốt sao cho môn phái ngày một rạng rỡ thêm.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Lão tiền bối có giáo huấn như vậy thì vãn bối mới hiểu được.
Dưỡng Nguyên nói tiếp:
– Thời kỳ môn phái hưng thịnh thì việc này cũng chẳng khó gì, nhưng gặp lúc nhân tài kém cỏi thì lại khiến cho người ta phải điên đầu. Có người suốt đời vất vả mà tìm không ra. Phái Võ Đương hết tuần cực thịnh chuyển sang tuần suy yếu, nhất là thời bần đạo nắm quyền chưởng môn lại càng nghiêm trọng. Nếu trong vòng mười năm nữa không chấn hưng được thì e rằng sẽ lâm vào cảnh tan rã. Hơn nữa lại đang gặp phải tên nghiệt đồ tàn ác Cổn Long Vương đang chực phá hoại.
Hiện giờ trừ bần đạo ra không còn người nào đối thủ với gã được. Bần đạo mà chết đi tất gã lại tìm lên đây thì chỉ một trận là tiêu diệt hết phái Võ Đương. Hỡi ôi? Mình đã chẳng tìm được người kế nghiệp lại không giữ cho môn phái được an toàn thì còn mặt mũi nào trông thấy các bậc tiên sư khi mình chết xuống suối vàng.
Truyện kiếm hiệp online hay nhất tại truyenkiemhiepso1.blogspot.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét