Phần một
Nếu là bọn giặc cướp từ một sơn trại nào, không lẽ chỉ có bốn người, ở nơi rừng tùng rậm rạp thế này, không mai phục thêm người khác? Còn nếu là bọn giặc cỏ, thấy tiêu đội thanh thế rầm rộ như thế e rằng chạy còn chưa kịp, đâu lẽ lại chạy ra chặn đường? Hay là võ lâm cao thủ, cậy mạnh mà ra chăng?
Nhìn lại bốn người kia: Tận cùng bên trái là một người bé nhỏ, cằm hơi thỏn, tay cầm một đôi nga mi cương thích. Người thứ hai vừa cao vừa mập, chẳng khác nào một cái tháp đứng sừng sững, trước mặt là một tấm bia đá lớn, trên bia khắc mấy hàng chữ: Tiên Khảo Hoàng phủ quân Thành Bản chi mộ, chính là một tấm mộ bi, không hiểu để trước mặt làm gì? Hoàng Thành Bản? Không nghe trên giang hồ có vị tiền bối cao thủ nào tên như thế? Người thứ ba tầm thước, mặt mũi trắng trẻo, nếu miệng không hô và mũi không tẹt thì có thể bảo là một người đẹp trai, trong tay cầm một đôi lưu tinh chùy. Tận cùng bên phải là một người trung niên trông như người bệnh, quần áo lam lũ, miệng ngậm một tẩu thuốc, mắt lim dim, phì phèo thả khói, dường như chẳng coi tiêu đội bảy mươi người kia vào đâu.
Ba người kia thì không nói làm gì, người bệnh hoạn kia hẳn là một kình địch nội công thâm hậu. Trong khoảnh khắc, bao nhiêu chuyện đã từng nghe thấy trên chốn giang hồ bỗng hiện lên trong óc: Một bà lão tóc bạc tay không giết năm tên tiêu đầu, cướp đi một món tiêu hàng lớn; một gã ăn mày đại náo công đường phủ Thái Nguyên, cắt đầu viên tri phủ rồi đi mất không biết về đâu; một cô gái xinh đẹp đánh ngã Trương đại quyền sư ở phủ Đại Đồng, Tấn Bắc vốn nổi danh hơn hai mươi năm rồi... toàn những người không có gì đặc biệt, cũng chưa từng nổi danh nhưng võ công lại ghê gớm, đúng như trên giang hồ vẫn thường nói: Người tài không lộ tướng, lộ tướng chẳng tài ba.
Thiết Tiên Chấn Bát Phương Chu Uy Tín, tổng tiêu đầu của Uy Tín tiêu cục phủ Tây An, Thiểm Tây thấy gã lim dim hút thuốc kia đâm ra ngại ngùng, tự nhiên đưa tay lên sờ cái bọc đeo sau lưng.
Món bảo tiêu kỳ này cả thảy trị giá đến mười vạn lạng bạc, do nhà buôn Uông Đức Vinh phủ Tây An ủy thác. Mười vạn lạng bạc quả không phải nhỏ, nhưng trước đây Uy Tín tiêu cục đã có lần bảo tiêu đến hai chục vạn lượng, bốn chục vạn lượng rồi, kim ngân tài vật không phải là ít. Từ khi rời phủ Tây An, y chỉ lo là lo hai thanh đao dấu trong cái bọc sau lưng vì câu chuyện đã nghe đêm hôm đó tại phủ tổng đốc Xuyên Thiểm.
Người nói chuyện với y chính là Xuyên Thiểm tổng đốc Lưu Ư Nghĩa Lưu đại nhân. Chu Uy Tín tuy đã nổi danh trên giang hồ, nhưng trong đời viên quan lớn nhất y được gặp chỉ là tri phủ, lần này lại được đến tổng đốc đại nhân tiếp kiến, đâm ra lo sợ bụng dạ thấp thỏm, đứng ngồi không yên.
Mấy câu nói của Lưu đại nhân y đã nghĩ tới nghĩ lui không biết bao nhiêu lần: “Chu tiêu đầu, đôi đao này gọi là Uyên Ương Đao, thực vô cùng quí giá, ngươi thử cầm xem. Đấng kim thượng từ khi còn là Bối Lặc[1] đã từng bí mật phái người thân tín đi tìm khắp nơi. Đến khi lên ngôi rồi, ngài lại hạ mật chỉ, ra lệnh cho tổng đốc, tuần phủ mười tám tỉnh tra xét. Thế nhưng tìm đến chủ nhân của đôi Uyên Ương Đao rồi thì hai đứa gian ngoa này đã dấu biệt, dù cho tra khảo cách nào cũng tìm không ra, khác nào mò kim đáy bể. May mắn thay nhờ tổ tiên bản tổng đốc tích đức, hồng phúc của kim thượng nên đã lọt vào tay ta. Cho nên mới có việc phải khiến Uy Tín tiêu cục phải nhọc lòng, hộ tống đôi Uyên Ương Bảo Đao này tiến kinh, trên đường tuyệt đối chớ tiết lộ phong thanh. Nếu ngươi đem được bảo đao đến Bắc Kinh bình an, trở về thể nào cũng được ta trọng thưởng”.
Đại danh của Uyên Ương Đao y đã từng nghe sư phụ nói đến:
Uyên Ương Đao gồm một thanh dài, một thanh ngắn, bên trong đao có tàng trữ một đại bí mật của võ lâm, kẻ nào có được sẽ vô địch thiên hạ.
“Vô địch thiên hạ” là nguyện vọng mà người học võ nào cũng mơ ước. Chu Uy Tín khi đó nghe rồi, vẫn tưởng đó chỉ là lời đồn, chứ trên đời làm gì có Uyên Ương Đao tàng trữ bí mật vô địch thiên hạ bao giờ? Nào ngờ Xuyên Thiểm tổng đốc Lưu đại nhân lại có được Uyên Ương Đao thực, lại sai y hộ tống tiến kinh, dâng lên hoàng thượng. Đôi đao đó dùng vải vàng gói chặt, có gắn xi mang ấn tín của tổng đốc đại nhân. Y vẫn hết sức mong được xem đôi đao đó hình dáng thế nào, nếu như may mắn biết được bí mật trong đao, Thiết Tiên Chấn Bát Phương sẽ biến thành Thiết Tiên Cái Thiên Hạ, thì thật vinh dự không để đâu cho hết. Thế nhưng dấu khằn của tổng đốc đại nhân ai dám gỡ ra? Chu đại tiêu đầu suy đi tính lại, mình chỉ có một cái đầu mà thôi nên chẳng dại.
Tổng đốc đại nhân có phái bốn tên vệ sĩ thân tín, mặc giả làm tiêu sư ở lẫn trong tiêu đội, nói là để giúp đỡ y, nhưng kỳ thực là để giám thị. Trước hôm tiêu đội khởi hành một ngày, phủ tổng đốc lại phái mấy tên sai nha đến “mời” toàn bộ cả nhà y lớn bé già trẻ mười hai người vào trong quân doanh tạm trú, nói rằng Chu tổng tiêu đầu phó kinh gia quyến sẽ không có ai chăm sóc, sợ tổng tiêu đầu không yên tâm nên đưa vào dinh an trí. Chu Uy Tín hành tẩu giang hồ đã lâu lẽ nào không hiểu sự tình bên trong? Chẳng phải quan tổng đốc lo vì Chu tổng tiêu đầu không yên tâm mà chính vì Lưu đại nhân không yên dạ cho đôi bảo đao cho nên lùa hết toàn gia cao đường lão tiểu, cha mẹ vợ con y vào phủ làm con tin đấy thôi.
Đôi Uyên Ương Đao kia nếu trên đường có gì thất thoát, cái đầu y không còn trên cổ đã đành, mà toàn gia già trẻ cũng không sống được. Y trên đời đã từng chịu biết bao sóng to gió cả, nằm gai nếm mật, anh hùng gặp cũng nhiều mà tiểu nhân cũng lắm, đã từng chém đầu người khác nhưng may chưa bị người khác chặt đầu, có thể coi như một tay giang hồ lão luyện được nhưng chưa từng gặp phải một lần hộ tiêu nào vừa mừng vừa sợ, trong lòng thấp thỏm như chuyến này. Nếu hộ tống được bảo đao bình an đến kinh đô, Lưu đại nhân đã từng chính miệng hứa sẽ trọng thưởng, ắt thể nào cũng “quân tử nhất ngôn”, không chừng hoàng thượng cũng vui lòng, cho tí quan chức, từ nay vinh hiển tổ tông, phi hoàng đằng đạt, Chu đại tiêu đầu sẽ thành Chu đại nhân Chu đại lão gia.
Từ Tây An đến Bắc Kinh, xa thì không xa nhưng bảo gần thì cũng không gần, núi non doanh trại đi qua cũng đến ba bốn chục nơi. Bọn cướp đường tầm thường thì cây Thiết Tiên Chấn Bát Phương của y có coi vào đâu, tám phương còn được thì một phương chẳng lẽ cũng không xong, nhưng mấy chữ “được Uyên Ương Đao, vô địch thiên hạ” khiến biết bao cao thủ võ lâm thèm thuồng nhỏ rãi? Thành thử bên ngoài thì y bảo tiêu hàng hóa, nhưng bên trong kỳ thực là hộ tống bảo đao. Nếu chẳng may tiêu ngân có mất, miễn là bảo đao mang được tới kinh đô thì chẳng lo gì. Một vị quan to, một tòa công đường đồ sộ như Chu đại lão gia thì mười vạn lạng bạc có gì mà đền không nổi? Huống chi đại lão gia chỉ có thò tay lấy tiền người khác chứ có đền tiền ai bao giờ?
Chu Uy Tín tay trái sờ vào thiết tiên để bên hông, giương mắt nhìn bốn gã hán tử, sau cùng tằng hắng một tiếng, vòng tay ôm quyền nói:
- Tại hạ đi qua quí địa, chưa kịp đến thăm hỏi quí vị, quả thật thất lễ, xin các hảo bằng hữu thứ tội cho.
Trong bụng y đã ngầm tính nếu không phải động thủ thì tốt nhất, nếu không gã ho lao kia xem ra không dễ, chuyện đời cứ cẩn thận cho chắc, còn hung hăng e sẽ thêm khó khăn. Chỉ thấy gã bệnh hoạn kia đưa tay ôm ngực ho lên sù sụ.
Gã gầy gò nhỏ bé vẫy nga mi thích một cái, giọng lanh lảnh nói:
- Khấu đầu thăm hỏi thì chẳng cần. Cái vật quí giá ngươi đang bảo vệ để lại cho bọn ta đi thôi.
Chu Uy Tín kinh hãi, nghĩ thầm: “Khi tiêu xa ra đi, đến ngay những tiêu sư thân tín nhất của ta cũng chỉ biết là đang bảo hộ vàng bạc, sao gã này lại biết mình đang hộ tống bảo vật? Ở đời “tốt lành đâu có đến, đã đến chẳng tốt lành gì”, mình phải hết sức cẩn thận”.
Y bèn ôm quyền nói:
- Xin tha cho tại hạ mắt kém, thỉnh giáo đại danh của bốn vị hảo bằng hữu là gì?
Gã gầy gò đáp:
- Ngươi xưng tên trước đi.
Chu Uy Tín đáp:
- Tại hạ họ Chu, tên Uy Tín, bạn bè trên giang hồ tặng cho một ngoại hiệu, gọi là Thiết Tiên Chấn Bát Phương.
Gã bệnh hoạn cười khẩy:
- Hứ, cái ngoại hiệu đó cũng được đấy, có điều nên đổi chữ Chấn thành chữ Bái thì hơn.
Gã gầy gò ngạc nhiên:
- Đổi thành chữ Bái ư? Ồ, họ Chu kia, đại ca ta đổi cái phỉ hiệu cho ngươi thành Thiết Tiên Bái Bát Phương. Đại ca liệu sự như thần, nói ra nghe có lý lắm.
Y nói xong cả bốn tên cùng ôm bụng cười rộ lên.
Chu Uy Tín nghĩ thầm: “Ở đời một sự nhịn là chín sự lành”. Y bèn cố nén giận, nói:
- Các vị chỉ đùa thôi. Bốn vị là hảo hán ở đâu? Ở núi nào đóng trại? Vị nào là tổng đà đương gia?
Gã gầy gò chỉ người bệnh hoạn kia nói:
- Được, có nói cho ngươi nghe cũng chẳng hề gì, nhưng nghe xong đừng có sợ. Đại ca ta là Yên Hà Thần Long Tiêu Dao Tử, nhị ca là Song Chưởng Khai Bi Thường Trường Phong, tam ca là Lưu Tinh Cản Nguyệt Hoa Kiếm Ảnh, còn tại hạ sờ sờ ra đây là Bát Bộ Cản Thiềm, Trại Chuyên Chư, Đạp Tuyết Vô Ngấn, Độc Cước Thủy Thượng Phi, Song Thích Cái Thất Tỉnh Cái Nhất Minh.
Chu Uy Tín càng nghe càng lấy làm lạ, nghĩ thầm: “Ngoại hiệu tên này sao dài thoòng như thế?”. Lại nghe gã gầy gò nói tiếp:
- Anh em ta bốn người kết nghĩa kim lan, hành hiệp trượng nghĩa, chuyên môn chống lại kẻ mạnh, giúp đỡ người yếu, cướp người giàu cho người nghèo, trên giang hồ gọi là Thái Nhạc Tứ Hiệp đó.
Chu Uy Tín nghĩ thầm: “Cứ nghe ngoại hiệu của bốn tên này, gã gầy gò chắc khinh công cao siêu, gã to cao chưởng lực hùng mạnh, gã mặt trắng có công phu lưu tinh chùy ghê gớm, còn “Yên Hà Thần Long Tiêu Dao Tử” hẳn là tiền bối cao nhân, hơn hẳn người thường. Thế nhưng cái tên Thái Nhạc Tứ Hiệp này mình chưa từng nghe qua, nhưng đã dám xưng là hiệp, hẳn tài nghệ không phải tầm thường. Ở trên đời thà không biết chữ chứ không thể không biết người”.
Y bèn vòng tay nói:
- Ngưỡng mộ đã lâu. Tệ tiêu cục vốn chưa qua lại với tứ hiệp, xin nhường đường cho đi, ngày sau thể nào cũng thành tâm bái yết.
Cái Nhất Minh gõ hai cây nga mi thích một cái, kêu lên coong coong, nói:
- Ngươi muốn nhường đường cũng chẳng khó gì, bọn ta chẳng cần tiêu ngân của ngươi đâu, chỉ mượn hai món bảo vật để dùng là đủ rồi.
Chu Uy Tín hỏi lại:
- Bảo vật nào thế?
Cái Nhất Minh nói:
- Ha ha, ngươi lại còn hỏi ta thì cũng lạ thật. Chính ngươi không biết, sao ta biết được?
Chu Uy Tín nghe vậy biết chuyện hôm nay chẳng thể yên lành mà xong, bọn Thái Nhạc tứ hiệp chính là vì muốn lấy đôi Uyên Ương Đao mang trên lưng mình, nghĩ thầm: “Ở đời đã đánh thì không nương tay, nương tay thì không đánh, bốn tên này ra tay át sẽ hạ độc thủ”. Y bèn chậm rãi lấy song tiên ra, nói:
- Nếu đã thế, tại hạ xin được lãnh giáo cao chiêu của Thái Nhạc tứ hiệp, không biết vị nào ra tay trước?
Y quay lại vẫy tay, năm tên tiêu sư và bốn vệ sĩ ở phủ tổng đốc cùng chạy lại. Chu Uy Tín hạ giọng nói:
- Đối phó với bọn lục lâm đạo tặc này, không cần phải theo qui củ giang hồ, tất cả cùng xông lên. Ở đời đông người thì khiêng cổng đá qua sông cũng được.
Thế nhưng trong bụng y đã có chủ ý: “Để bọn họ tiếp chiến với bốn tên này, ta cứ thẳng đường mà chạy, hộ tống Uyên Ương Đao về kinh là hơn cả, chứ đánh nhau tan hoang lúc gặp chuyện còn sức đâu mà đánh”.
Cái Nhất Minh nói:
- Đại tiêu đầu, đôi kiếm của ta đánh khắp bảy tỉnh, xin được đấu với roi sắt lạy tám phương của ngươi, một trận long trời lở đất xem nào.
Nói xong y nhún một cái, nhảy tới trước. Chu Uy Tín không xuống ngựa, giơ thiết tiên lên sử chiêu Đào Viên Đoạt Sóc, gạt nga mi thích của y ra, hai chân kẹp lại, con ngựa liền vọt lên. Cái Nhất Minh kêu lên:
- Giỏi nhỉ, đại tiêu đầu tính chạy ư?
Chu Uy Tín quay lại nói:
- Ta chạy ra khỏi khu rừng, xem có ai mai phục không?
Nói xong giục ngựa chạy thẳng. Lưu tinh chùy của Hoa Kiếm Ảnh liền tung ra, đánh thẳng vào lưng y. Roi bên trái của Chu Uy Tín liền đưa về sau đỡ, sử chiêu Dạ Sấn Tam Trại, nghe keng một tiếng, gạt lưu tinh chùy quay ngược lại.
Y cùng Hoa, Cái hai người binh khí đụng rồi, thấy chiêu số của họ không có gì tinh diệu, nội lực cũng chỉ thường thường, quay lại thấy gã Tiêu Dao Tử kia đứng dựa vào gốc cây, tay vẫn cầm ống điếu, xem bọn tiêu sư vây Thái Nhạc tam hiệp vào giữa, thản nhiên như không. Chu Uy Tín trong bụng hoảng sợ: “Nếu gã này ra tay, mình để chậm một chút ắt không cách gì thoát thân được, lúc tạnh không chạy không lẽ chạy lúc trời mưa”.
Y quay lại dùng thiết tiên đánh vào mông con ngựa một cái, con vật liền chạy lồng lên, nhưng ngay khi đó, tay phải Tiêu Dao Tử liền vung lên, kêu lớn:
- Xem tiêu đây.
Nghe tiếng gió vèo, một vật ám khí đen sì liệng tới. Chu Uy Tín giơ tiên ra đỡ, nghe bạch một tiếng, ám khí đó đã dính chặt vào cương tiên, không rơi xuống. Y trong bụng hoảng thầm: “Gã Tiêu Dao Tử này quả đúng là cao thủ, ngay cả ám khí y sử dụng cũng không giống ai. Quả dúng như thiên hạ thường nói là bậc cao nhân chỉ giơ tay ra cũng biết là lợi hại hay không”.
Con ngựa vẫn không ngừng vó, chạy thẳng ra khỏi khu rừng. Chu Uy Tín thấy ở sau không có ai đuổi theo, định thần lại, nhìn ám khí dính trên cương tiên, hóa ra là một chiếc dép rách dính đầy bùn đất, vì bùn còn ướt nên dính luôn vào cương tiên không rơi xuống.
Y lại càng kinh hãi, nghĩ thầm: “Cao thủ võ lâm ném bông hoa, liệng cái lá cũng có thể đả thương người ta được, y ném chiếc dép này mà không giết ta, xem ra hạ thủ cũng còn có tình lắm đó”. Y chưa biết tính sao, cứ giục ngựa chạy thật nhanh, chờ xem có gì rồi hãy hay. Bỗng nghe từ trong rừng có tiếng người kêu như heo bị chọc tiết, kế đến hoàn toàn yên lặng, tiếng binh khí chạm nhau hoàn toàn không còn nữa, Chu Uy Tín vừa hoảng vừa ngờ: “Không lẽ chỉ trong khoảnh khắc mà bao nhiêu tiêu sư cùng bốn tên vệ sĩ đã bị độc thủ của Thái nhạc tứ hiệp cả rồi hay sao?”.
Bỗng nghe có tiếng người gọi lớn:
- Tổng tiêu đầu... tổng tiêu đầu.
Nghe giọng đúng là Trương tiêu sư. Chu Uy Tín sờ vào cái bọc đựng hai thanh Uyên Ương Đao ở sau lưng, không trả lời, nghĩ thầm: “Nếu có khôn ra, dù nghe cũng đứng xa xa nhìn cho rõ rồi hãy tính”. Một lát sau, lại nghe tiếng người gọi:
- Tổng tiêu đầu, mau quay lại. Bọn giặc chạy cả rồi, bị bọn tôi đánh đuổi chạy hết rồi.
Chu Uy Tín ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Sao lại dễ dàng quá như thế?”. Y gò cương ngựa, quay đầu lại, thấy trong rừng chạy ra một tên cầm cờ hiệu, vui mừng kêu lên:
- Tổng tiêu đầu, đừng chạy nữa, toàn những đứa bị thịt, chẳng có việc gì hết.
Chu Uy Tín vừa mừng vừa lo nói:
- Thật không?
Tên chạy hiệu đáp:
- Cả bọn tôi cùng xông lên, hết sức nghinh địch. Tên bệnh lao kia bị Trương tiêu sư chém cho một đao ngay vai máu chảy đầm đìa, cả bốn tên đều chạy cả.
Chu Uy Tín xem ra sự tình không phải giả, trong lòng mừng rỡ, giục ngựa quay trở lại khu rừng nói:
- Ngoài rừng có độ một chục tên mai phục, ta đánh cho một trận, cúp đuôi chạy cả rồi.
Y nói láo thế, mặt tự nhiên đỏ lên nhưng lại nghĩ ngay: “Ở đời kẻ nào yếu bóng vía, mới đánh rắm cũng đã thẹn, ta phải trấn tĩnh lại, đừng để đứa nào biết được chuyện vừa rồi”. Trương tiêu sư giơ đơn đao lên, dương dương đắc ý nói:
- Thái Nhạc tứ hiệp cái quái gì đâu, hóa ra chỉ toàn nói phét.
Các người trong tiêu cục và mấy tên vệ sĩ liền phá lên cười. Chu Uy Tín thấy tấm bia đá vẫn còn nằm dưới đất, không hiểu tại sao. Bỗng nghe từ phía trong rừng có tiếng rên rỉ: “Ôi chao, ôi chao”, Chu Uy Tín liền nói:
- Có ai bị thương chăng?
Cả bọn liền chạy ùa tới, lần theo tiếng rên thấy từ trong một bụi gai phát ra, cả chục người liền dàn ra bao vây lại. Chu Uy Tín quát lớn:
- Thằng giặc nào, mau chui ra.
Tiếng rên trong bụi gai càng lớn hơn. Chu Uy Tín giơ tay một cái, một ngọn thủ tiễn liền vung ra. Người kia kêu “A” lên một tiếng thảm thiết, hiển nhiên đã trúng tên. Hai tên chạy hiệu liền lớn tiếng hoan hô:
- Trúng rồi, tiễn pháp của tổng tiêu đầu hay quá.
Y cầm đao xông lên, lôi kẻ đó ra. Mọi người vừa nhìn thấy, ai nấy ngơ ngác, không nói nên lời. Thì ra kẻ đó người mập mạp chính là nhà buôn họ Uông, kẻ đã nhờ áp tải ngân tiêu, quần áo đã bị gai góc cào rách. Những người béo tốt phần lớn giàu có, nhưng mông gã này lại có cắm một mũi thủ tiễn.
Thái Nhạc tứ hiệp náu mình trong rừng, chờ cho bọn Uy Tín tiêu cục đi xa mới đám chui ra. Hoa Kiếm Ảnh xé một mảnh vải áo, buộc vết thương trên vai cho Tiêu Dao Tử. Thường Trường Phong nói:
- Đại ca, không sao chứ?
Tiêu Dao Tử nói:
- Không sao, không sao! Bọn mình hảo hán địch không lại số đông, cũng chẳng có gì là xấu.
Hoa Kiếm Ảnh nói:
- Tôi đã nói địch nhân thanh thế lớn lắm, không dễ ăn đâu, nhị ca nhất định ra tay, khiến cho đại ca phải bị thương.
Cái Nhất Minh nói:
- Bọn này cũng thực là hồ đồ, nghe đến tên tuổi vang lừng của Thái Nhạc tứ hiệp mà không chịu bỏ chạy thì còn làm gì được nữa?
Tiêu Dao Tử nói:
- Cũng không trách nhị đệ được, muốn đi ăn cướp bảo cụ thì đành phải ra tay đánh với tiêu cục chứ sao?
Thường Trường Phong hỏi:
- Thế bây giờ mình làm gì? Bọn mình về tay không còn mặt mũi nào nhìn ai nữa?
Cái Nhất Minh nói:
- Theo ta...
Nói chưa dứt câu, bỗng ngoài rừng có tiếng chân rầm rập, có người chạy từ nam lên phía bắc. Cái Nhất Minh thò đầu ra xem xét, đôi lông mày xụ xuống bây giờ nhướng lên nói:
- Có hai người chạy đến. Lần này mình hai người đánh một người, không để cho hai con dê béo này chạy thoát.
Thường Trường Phong nói:
- Đúng lắm, may ra thì moi được của họ vài chục lượng bạc.
Y nhắc tấm bia đá lên, ôm trên tay. Thì ra y có ngoại hiệu là Song Chưởng Khai Bi, nên dùng tấm bia mộ làm binh khí, ỷ vào sức khỏe, vác tấm bia đá trên tay dọa cho địch nhân sợ hãi bỏ chạy. Còn mộ bia đó là của ai, người thế nào, y chỉ thuận tay cầm lên. Người nằm đó quả là xui xẻo, chết rồi vẫn chưa yên. Bốn người liền dùng tay ra hiệu, chia ra ẩn nấp ở sau các gốc cây.
Hai người kia một trước một sau, chạy vào trong rừng. Chạy trước là một người đàn ông chừng hăm bảy, hăm tám, tay cầm đơn đao, vừa chạy vừa la:
- Con giặc cái, đừng có ngang ngược, mi định giết ta hả?
Thái Nhạc tứ hiệp ngạc nhiên, nhìn xem người đuổi theo thấy là một người đàn bà. Thiếu phụ đó sau lưng cõng một đứa trẻ, tay cầm nỏ bắn đạn, tách tách tách tách bắn liên tiếp về phía người đàn ông. Người đàn ông múa đơn đao gạt ngang gạt dọc, nhưng không dám quay lại đánh.
Tiêu Dao Tử thấy hai người đánh nhau, quát lên:
- Ai chạy đến đó? Sao lại đánh nhau?
Cái Nhất Minh huýt một tiếng còi, cả bốn người từ sau các tùm cây chạy ra, quát:
- Đứng lại ngay.
Người đàn ông chạy lên vừa chạy vừa quay lại chửi:
- Con giặc cái, ngươi hung hăng độc địa thế, ta không nhịn nữa đâu.
Thiếu phụ kia cũng mắng:
- Cẩu tặc, hôm nay ta không giết được ngươi thì Nhiệm Phi Yến này không kể là người.
Ngay khi đó, Thái Nhạc tứ hiệp đã chặn ngay trước mặt người đàn ông. Người đàn bà tên Nhiệm Phi Yến liền kêu lên:
- Lâm Ngọc Long, ngươi còn chưa chịu đứng lại ư?
Lâm Ngọc Long quát Thường Trường Phong đang chặn ngay đằng trước:
- Tránh ra.
Y vừa nói vừa hụp xuống tránh một viên đạn từ phía sau bắn tới, chỉ nghe một tiếng “Oái chao”, viên đạn đã bắn trúng ngay mũi Thường Trường Phong. Thường Trường Phong giận quá, chửi liền:
- Con mụ thối tha, ngươi bắn trúng ta rồi.
Nhiệm Phi Yến nói:
- Trúng ngươi thì đã sao?
Lại soẹt soẹt thêm hai tiếng, hai viên đạn khác nhắm thẳng vào y bắn tới. Thường Trường Phong liền giơ tấm bia đá lên, nhưng đỡ hụt, một viên trúng ngực, một viên trúng cánh tay khiến y tê dại, tấm bia đá rơi xuống đất kêu bình một tiếng. Y nhảy nhổm kêu toáng lên “Ôi chao”, hóa ra tấm bia linh hiển làm sao rơi trúng ngay ngón chân y.
Cái Nhất Minh và Hoa Kiếm Ảnh thấy nhị ca bị nạn, cùng xông vào Nhiệm Phi Yến. Nhiệm Phi Yến lại giương nỏ, bắn liên châu tới tấp, Cái Nhất Minh trúng một viên ngay mi tâm, còn Hoa Kiếm Ảnh thì gãy một chiếc răng cửa. Cái Nhất Minh kêu lớn:
- Gió lớn, gió lớn.
Nhiệm Phi Yến bị bốn người ngăn trở, thấy Lâm Ngọc Long đã cắm đầu chạy ra khỏi khu rừng, trong bụng tức giận, càng cố đuổi theo, vừa chạy vừa quay lại nghe bụp một tiếng, đã bắn chiếc ống vố Tiêu Dao Tử đang ngậm trong mồm rơi xuống đất. Viên đạn đó thủ kình rất mạnh, bắn lại chính xác, chính là thuật bắn đạn có tên là Hồi Mã Đạn. Nhiệm Phi Yến mỉm cười, quay lại chửi:
- Lâm Ngọc Long, tên giặc thối tha kia, còn chưa chịu đứng lại ư?
Chỉ nghe Lâm Ngọc Long hổn hển đáp:
- Có giỏi thì cùng với đại gia dùng đao, dùng thương đánh tay đôi ba trăm hiệp, dùng đạn bắn người thì có gì là hay?
Hai người càng chửi càng xa, cùng chạy về hướng bắc. Hoa Kiếm Ảnh hỏi:
- Đại ca, Lâm Ngọc Long và Nhiệm Phi Yến là nhân vật nào thế?
Tiêu Dao Tử trầm ngâm rồi nói:
- Lâm Ngọc Long là một hảo thủ về đơn đao, còn người đàn bà Nhiệm Phi Yến kia là một danh gia bắn nỏ đạn.
Cái Nhất Minh nói:
- Đại ca liệu sự như thần, nói ra nghe có lý lắm.
Hoa Kiếm Ảnh nói:
- Thiếu phụ đó mặt mày coi cũng được, chắc là gã họ Lâm nhìn thấy toan giở trò phi lễ.
Tiêu Dao Tử nói:
- Chính thế, bọn Thái Nhạc tứ hiệp chúng mình hành hiệp trượng nghĩa, thấy chuyện bất bình là can thiệp, kỳ sau gặp tên dâm tặc Lâm Ngọc Long thể nào cũng cho y một trận cho biết thân.
Thường Trường Phong tiếp lời:
- Không chừng hai kẻ Lâm Nhiệm kia có thù giết cha, không biết ai phải ai trái. Con mẹ nó, chân mỗ đau quá đi mất.
Nói xong lấy tay xoa chân. Tiêu Dao Tử nghiêm mặt nói:
- Tên họ Lâm kia mặt đầy hoành nhục[2], mới nhìn đã biết là kẻ chẳng tốt lành gì. Còn con mụ họ Nhiệm tuy ra tay lỗ mãng, nhưng xem võ công y thị, hẳn là danh môn chính phái.
Cái Nhất Minh nói:
- Đại ca liệu sự như thần, nói ra nghe có lý lắm.
Thường Trường Phong đang toan biện giải thêm, bỗng nghe ngoài bìa rừng có tiếng người ngâm nga:
Trong tay có sẵn vàng kia,
Sướng ơi là sướng có chi cho bằng.
Hôm qua tiền bạc sạch banh,
Hôm nay kiết xác thành anh nhà nghèo.
Nhưng không vì thế mà sầu,
Vẫn cười đem đốt khăn đầu cho vui...
Một thanh niên thư sinh tay cầm quạt phe phẩy vừa ngâm nga vừa lững thững đi vào trong rừng, đằng sao lẽo đẽo một đứa tiểu đồng, vác theo một bịch hành lý. Hoa Kiếm Ảnh cầm trong tay chiếc răng cửa mới bị gãy, trong lòng đang bực bội, thấy gã học trò cò vẻ ung dung thư thái, lại còn ngâm thơ nào là hoàng kim, tiền bạc liền đưa mắt cho Cái Nhất Minh, nhảy ra quát lớn:
- Thằng học trò khốn kiếp, ngươi ở đây ư ử ngâm nga cái gì? Thơ thẩn nhà ngươi làm đại gia nhức đầu chóng mặt, mau mau bồi thường cho ta.
Thư sinh kia thấy bộ dạng bốn người, giật mình kinh hãi, hỏi lại:
- Thỉnh vấn nhân huynh, đền là đền cái gì?
Cái Nhất Minh nói:
- Đền vì đã làm cho bọn ta nhức đầu chóng mặt, mỗi người một trăm lượng bạc, tổng cộng bốn trăm lượng tất cả.
Gã học trò le lưỡi nói:
- Sao nhiều thế? Ngay đến đương kim hoàng đế nhức đầu, cũng chưa tốn đến bấy nhiêu tiền thuốc.
Cái Nhất Minh nói:
- Tên hoàng đế là cái quái gì? Ngươi đem bọn ta so sánh với hoàng đế, thật là lớn mật. Đã thế thêm cái tội ấy, bốn trăm lượng gấp đôi lên, thành tám trăm lượng.
Thư sinh nói:
- Nhân huynh so với hoàng đế còn tôn quí hơn, khiến người ta phải bội phục. Thỉnh vấn nhân huynh tôn tính đại danh, xem lai lịch cỡ nào.
Cái Nhất Minh nói:
- Ha ha, tại hạ họ Cái, tên Nhất Minh, trên giang hồ gọi là Bát Bộ Cản Thiềm, Trại Chuyên Chư, Đạp Tuyết Vô Ngấn, Độc Cước Thủy Thượng Phi, Song Thích Cái Thất Tỉnh, trong Thái Nhạc tứ hiệp thì đứng hàng thứ tư.
Thư sinh kia chắp tay nói:
- Ngưỡng mộ đã lâu, đã lâu.
Y quay sang Hoa Kiếm Ảnh hỏi:
- Còn vị nhân huynh này?
Hoa Kiếm Ảnh nhăn mặt:
- Ai hơi đâu mà anh anh, em em với ngươi?
Y giơ tay ra đẩy tên thư đồng, cầm lấy cái bọc y đang vác, nhắc nhắc thấy nặng, trong bụng mừng thầm liền mở ra coi, không khỏi thất vọng, thấy bên trong chỉ toàn sách cũ. Thường Trường Phong kêu lên:
- Toàn đồ vứt đi.
Thư sinh kia vội nói:
- Lời đó của nhân huynh sai rồi. Sách vở thánh hiền, sao lại nói là đồ vứt đi? Người xưa nói rằng trong sách sẵn có nhà vàng.
Thường Trường Phong nói:
- Trong sách có hoàng kim ư? Sách cũ này một xu một quyển cũng chẳng ai mua.
Lúc đó Cái Nhất Minh đã mở tung bọc hành lý, ngoài vài bộ quần áo, chẳng có tiền bạc gì. Thái Nhạc tứ hiệp ai nấy đều thất vọng. Thư sinh kia nói:
- Tại hạ đi học kiếm mẹ, gặp được bốn vị nhân huynh, thật may mắn xiết bao? Bốn vị được gọi là Thái Nhạc tứ hiệp, ắt hẳn cứu khổn phò nguy, hành hiệp trượng nghĩa, trên chốn giang hồ nổi danh.
Tiêu Dao Tử nói:
- Mấy câu ngươi nói không sai chút nào.
Gã học trò nói tiếp:
- Hôm nay gặp được bốn vị anh tài hiệp sĩ, thật là tam sinh hữu hạnh. Tại hạ trước mắt gặp chuyện khó khăn, mong bốn đại hiệp rút đao tương trợ, giúp cho một tay.
Tiêu Dao Tử hỏi:
- Cái đó cũng dễ, chúng ta đã mang danh hiệp khách, thấy người gặp khó khăn mà chẳng ra tay, thì có khác gì chỉ mang tiếng hiệp nghĩa xuông thôi sao?
Gã thư sinh liên tiếp vái chào cảm tạ. Cái Nhất Minh hỏi:
- Thế kẻ nào đã hiếp đáp ngươi thế?
Thư sinh nói:
- Việc này nói ra thật xấu hổ, chỉ sợ bốn vị huynh đài chê cười thôi.
Hoa Kiếm Ảnh chợt hiểu ra, nói:
- A, hóa ra em gái ngươi xinh đẹp, bị cường hào ác bá bắt mấy chứ gì?
Thư sinh lắc đầu:
- Không phải, tôi không có em gái.
Cái Nhất Minh vỗ tay nói:
- À, chắc là thổ hào, quan lại cưỡng chiếm vợ ngươi?
Gã thư sinh vẫn lắc đầu quầy quậy:
- Cũng không phải. Tôi chưa lấy vợ, làm gì có ai?
Thường Trường Phong nóng ruột, hỏi dồn:
- Thế là chuyện gì? Mau nói huỵch toẹt ra cho bọn ta nghe.
Thư sinh đáp:
- Nói thì nói, bốn vị đại hiệp xin đừng trách.
Thái Nhạc tứ hiệp vẫn tự xưng là “tứ hiệp” nhưng trên giang hồ, chốn võ lâm chưa từng được ai gọi là đại hiệp này đại hiệp nọ cung kính như thế bao giờ, bây giờ nghe gã học trò này tôn trọng mình như thế, ai nấy ưỡn ngực, cùng nói:
- Nói mau, nói mau, có chuyện gì khó khăn, Thái Nhạc tứ hiệp thể nào cũng ra tay lo liệu cho.
Gã thư sinh vái một vái thật sâu, nói:
- Tại hạ phiêu bạt giang hồ, đi ngang qua quí địa, nói ra thật xấu hổ, tiền bạc nay hết sạch, chỉ mong tứ hiệp nhủ lòng ban cho vài chục lượng bạc. Tứ hiệp nghĩa bạc vân thiên, thích làm điều thiện ưa chuyện bố thí, tại hạ xin được cảm tạ trước.
Bấn hiệp sĩ nghe xong, không khỏi nhíu mày, không nói nên lời. Bọn họ vốn toan ăn cướp gã thư sinh này, nào ngờ bị y nói năng ngọt ngào, xin ngược lại. Song Chưởng Khai Bi Thường Trường Phong giơ tay vỗ ngực lớn tiếng nói:
- Đại trượng phu có vì bằng hữu mà chịu hai đao đâm hai bên hông cũng chẳng sá gì, huống chi chỉ vài chục lượng bạc? Đại ca, tam đệ, tứ đệ, lấy tiền ra. Ta đây có...
Y thò tay vào túi khoắng một cái, nhưng không mở tay ra, thì ra trong túi không có đồng nào, ngay một xu teng cũng không. Cũng may Hoa Kiếm Ảnh và Cái Nhất Minh trong người cũng có đôi ba lượng bạc vụn, hai người móc ra đưa cho gã thư sinh. Gã học trò khom lưng vái dài, luôn mồm cảm ơn, nói:
- Cái ơn giúp đỡ tiền bạc này, tại hạ suốt đời không dám quên, nếu mai sau có duyên gặp lại, thể nào cũng báo đáp.
Nói xong dắt gã thư đồng đi ra khỏi rừng. Y ra khỏi khu rừng rồi, cười sằng sặc, nói với đứa đầy tớ:
- Mấy lượng bạc này, thưởng cho ngươi cả đó.
Gã thư đồng sắp xếp lại mớ hành lý bị bốn gã kia lục tung, lấy ra một cuốn sách cũ mở ra. Dưới ánh mặt trời màu vàng chói lọi, trong cuốn sách kẹp đầy những miếng vàng lá mong mỏng, y cười nói:
- Tướng công nói trong sách có hoàng kim, bọn chúng lại không tin.
Thái Nhạc tứ hiệp tuy là bọn ăn cắp gà không xong thì xoay ra ăn trộm gạo, nhưng sau khi làm được một cử chỉ nghĩa hiệp, trong bụng cũng lấy làm sung sướng lắm. Cái Nhất Minh nói:
- Gã thư sinh đó ngao du khắp nơi, thể nào chẳng truyền dương tiếng tăm của bọn Thái Nhạc tứ hiệp chúng ta...
Vừa nói tới đây, bỗng nghe có tiếng nhạc ngựa leng keng, tiếng chân lộp cộp, một người cưỡi ngựa từ phương nam đi tới. Tiêu Dao Tử nói:
- Các vị huynh đệ, nghe tiếng chân ngựa chạy nhanh lắm, hẳn là một con tuấn mã. Không cần biết, mình cứ cướp con ngựa này đi, nếu như không có bảo vật nào khác, đem con ngựa này làm lễ vật cũng xong.
Cái Nhất Minh nói:
- Đại ca liệu sự như thần, nói ra nghe có lý lắm.
Y vội vàng cở giây lưng ra nói với mấy người kia:
- Mau lấy giây lưng buộc lại để giăng chân ngựa.
Nói xong y liền nối bốn cái dây lưng lại thành một sợi, đang toan buộc vào hai gốc cây thì ngưới cưỡi ngựa đã đến trước khu rừng. Người cưỡi ngựa thấy bốn gã này đang loay hoay buộc dây chăng ngang đường, ngạc nhiên gò cương, hỏi:
- Các ngươi làm gì thế?
Cái Nhất Minh nói:
- Đang chăng giây...
Vừa nói ra thấy không ổn, nhưng vừa quay lại đã yên tâm khi thấy người cưỡi ngựa chỉ là một cô gái xinh đẹp,. Thiếu nữ hỏi tiếp:
- Giăng giây để làm gì?
Cái Nhất Minh đứng lên, hai tay vỗ vào nhau để phủi bụi, nói:
- Giăng giây chặn ngựa của ngươi. Ồ, ngươi biết rồi thì chăng giây không còn ăn thua gì nữa. Ngươi mau mau xuống ngựa, để lại cho bọn ta, rồi mau cút đi nơi khác. Thái Nhạc tứ hiệp chúng ta không bao giờ hiếp đáp đàn bà con gái để làm bại hoại tiếng tăm đâu.
Thiếu nữ kia cười, hỏi lại:
- Bọn ngươi muốn ta để con ngựa lại, thế không phải hiếp đáp thì là gì?
Cái Nhất Minh ấp úng nói:
- Cái đó a... là có lý do.
Tiêu Dao Tử nói:
- Bọn ta không hiếp đáp ngươi đâu, chỉ lấy con ngựa ngươi cưỡi thôi. Một con vật đâu có đáng gì?
Y thấy con ngựa thân hình cao lớn, lông bóng mượt, coi rất hùng vĩ, yên vàng nhạc bạc, chỉ bộ yên cương không thôi, cũng đã có giá lắm rồi, khiến y càng nhìn càng ham.
Cái Nhất Minh nói:
- Đúng lắm, bọn ta Thái Nhạc tứ hiệp, là hán tử nghênh ngang trên cõi giang hồ, không thể nào lại đi làm khó dễ đàn bà con trẻ. Ngươi chỉ cần để lại con ngựa, bọn ta sẽ không đụng tới một sợi lông của ngươi. Thử nghĩ ta đây Bát Bộ Cản Thiềm, Trại Chuyên Chư, Đạp Tuyết Vô Ngấn...
Cô gái lấy tay bịt tai lại, nói:
- Thôi thôi, bọn ngươi chẳng biết ta là ai, mà ta cũng chẳng biết các ngươi là ai, có đúng không?
Cái Nhất Minh lạ lùng hỏi:
- Đúng vậy, nhưng mà thế là sao?
Thiếu nữ mỉm cười nói:
- Bọn mình hai bên không biết nhau, nếu có đắc tội, cha ta sẽ không giận ta. Này, bốn tên giặc cỏ lớn mật kia, tất cả cùng xông lên đi.
Bốn người chỉ thấy thoáng một cái, trong tay thiếu nữ đã có thêm một cặp đao, binh khí múa lên thế như gió cuốn, giục ngựa chạy tới trước, đao bên phải cắt đứt dây chăng đường, đao bên trái chém luôn xuống đầu Cái Nhất Minh. Cái Nhất Minh kêu lên:
- Đàn ông con trai không đánh nhau với con gái, chớ nên động thủ...
Trước mắt chỉ một ánh sáng trắng lóe lên, thanh đao đã chém xuống ngay mặt, y vội vàng giơ cương thích lên gạt. Chỉ nghe keng một tiếng, hai món binh khí chạm nhau, lưỡi đao của cô gái có sức hút rất mạnh, một đẩy một kéo, binh khí trong tay y cầm không vững, tuột khỏi tay văng lên cao đến mấy trượng, cắm luôn vào một cành cây.
Hoa Kiếm Ảnh và Thường Trường Phong từ hai bên xông tới, nhưng thiếu nữ đang ngồi trên lưng ngựa, hai tay hai đao liên tiếp từ cao chém xuống, Hoa Thường hai người đỡ gạt không nổi. Thiếu nữ thấy Thường Trường Phong tay cầm tấm bia đá, lấy làm lạ, hỏi:
- Ồ, này ông kia, ông cầm cái đồ chơi gì thế?
Thường Trường Phong đáp:
- Đây là món binh khí độc đáo của Thường nhị hiệp, không có trong mười tám món binh khí, chiêu số kỳ diệu, ối ối... đau quá.
Thì ra thiếu nữ lật ngược thanh đao, dùng sống dao gõ lên cổ tay y một cái. Thường Trường Phong bị đau, món binh khí “độc đáo” rơi ngay xuống, thật khéo làm sao, lại rơi trúng ngay ngón chân cái vốn đã sưng vù.
Tiêu Dao Tử thấy tình thế xem không ổn, liền cầm cái tẩu thuốc xông lên tấn công. Cái tẩu của y đúc bằng thép ròng, sử dụng như phán quan bút, thế nhưng kỹ thuật điểm huyệt, đả huyệt, nhận huyệt chưa tinh tường, điểm sai cả thước, thành ra cũng bằng xa cả dặm. Thiếu nữ thấy vậy tức cười, giả vờ sơ hở để cho y điểm trúng đùi bên trái, chỉ thấy hơi đau, quát lên:
- Con quỉ ho lao kia, ngươi điểm huyệt nào thế?
Tiêu Dao Tử đáp:
- Đó là huyệt Trung Độc, điểm cho đùi bị tê, tứ chi mềm xèo để phải bó tay chịu trói.
Thiếu nữ cười:
- Huyệt Trung Độc đâu có ở đây, phía bên trái hai tấc kia mà.
Tiêu Dao Tử ngạc nhiên hỏi:
- Bên trái ư, không trúng à?
Y lại giơ tẩu thuốc, tới điểm lần nữa. Thiếu nữ vung đao chém xuống, đánh rơi cái quản hút thuốc của y, rồi lập tức đưa cả hai thanh đao qua tay phải, tay trái nắm ngay cổ áo y, hai gót chân đập vào bụng ngựa một cái, con vật liền hí lên một tiếng đài, chạy thẳng ra khỏi khu rừng. Tiêu Dao Tử bị cô ta nắm ngay cổ, toàn thân tê dại, tứ chi mềm nhũn, đành chịu chết. Ba hiệp sĩ còn lại trong Thái Nhạc tứ hiệp liền kêu lên:
- Gió lớn, gió lớn.
Cố hết sức chạy đuổi theo. Thế nhưng con ngựa trong chốc lát đã xa cả dặm. Tiêu Dao Tử bị cô ta kéo lê hai chân dưới đất, máu me đầm đìa, vội nói:
- Ngươi nắm vào huyệt Phong Trì của ta, là chỗ hai mạch Túc Thiếu Dương và Dương Duy giao hội, ta không cách nào cử động được, cũng không có gì là lạ. Không chiến đấu được dù có thua cũng vẫn vinh dự như thường.
Thiếu nữ cười khanh khách, gò cương ngựa ném y xuống đất nói:
- Ngươi nói ra các huyệt đạo đúng lắm.
Đột nhiên cô gái cười khẩy một tiếng, giơ thanh đao nhứ vào cổ y, quát lên:
- Ngươi dám vô lễ với cô nương, không thể không giết.
Tiêu Dao Tử thở dài nói:
- Thôi cũng được. Thế nhưng ngươi có chém thì chém vào huyệt Thiên Trụ, một đao là khí tuyệt, khỏi phải chịu khổ sở lâu.
Thiếu nữ không nhịn cười được, nghĩ thầm gã ho lao này chết đến nơi còn nghiên cứu huyệt đạo, chi bằng mình dọa y một phen để xem thế nào. Nàng lấy lưỡi dao để vào giữa hai huyệt Thiên Trụ và Phong Trì trên cổ nói:
- Phải chỗ này không?
Tiêu Dao Tử kêu lên:
- Không, không, cô nương sai rồi, phải ở trên một tấc hai phân mới đúng...
Bỗng nghe ba người chạy tới thở hổn hển nói:
- Cô nương giết luôn cả ba đứa chúng tôi...
Chính là bọn Thường Trường Phong tam hiệp đã đến. Thiếu nữ nói:
- Việc gì các ngươi lại tới đây chịu chết?
Cái Nhất Minh nói:
- Bọn Thái Nhạc tứ hiệp chúng ta nghĩa kết kim lan, không mong cùng năm cùng tháng sinh ra nhưng nguyện cùng năm cùng tháng cùng ngày chết với nhau. Cô nương giết đại ca, ba người chúng tôi cũng không muốn sống nên xin cô nương giết chết luôn một thể. Nếu ai mà cau mày, người đó không phải là hảo hán.
Y nói xong đi đến đứng bên cạnh Tiêu Dao Tử vươn cổ ra chịu chém. Thiếu nữ giơ đao lên, giả vờ như muốn chém xuống, Cái Nhất Minh mỉm miệng cười, không tránh né. Thiếu nữ nói:
- Được! Bốn người các ngươi võ nghệ bình thường nhưng lại trọng nghĩa khí, có thể coi là hảo hán, ta tha cho các ngươi đó.
Nói xong tra đao vào vỏ. Bốn người mừng quá, thật là cảm kích. Cái Nhất Minh nói:
- Thỉnh vấn tôn tính đại danh cô nương, bọn Thái Nhạc tứ hiệp chúng tôi xin ghi trong lòng, sau này sẽ báo đền ơn tha không giết.
Cô gái thấy bọn họ mở miệng là xưng “Thái Nhạc tứ hiệp”, không thẹn chút nào, nhịn không được cười lên một tiếng, nói:
- Các ngươi đừng hỏi tên ta làm gì. Ta hỏi các ngươi đây, sao lại định cướp ngựa của ta?
Cái Nhất Minh đáp:
- Ngày mồng mười tháng ba năm nay, là sinh nhật năm mươi tuổi của Tấn Dương đại hiệp Tiêu Bán Hòa...
Thiếu nữ nghe thấy tên Tiêu Bán Hòa hơi ngạc nhiên, hỏi:
- Các ngươi quen với Tiêu lão anh hùng ư?
Cái Nhất Minh nói:
- Chúng tôi không quen với Tiêu lão anh hùng, chỉ vì trước nay vẫn ngưỡng mộ anh danh của lão nhân gia, có thể nói là thần giao đã lâu, nên muốn nhân buổi tiệc thọ này đến bái phỏng. Nói ra thật xấu hổ, bốn anh em chúng tôi chưa có lễ mừng, nên không đến được, thành ra... vì thế... cho nên.. mới...
Thiếu nữ cười nói:
- Hóa ra các ngươi định cướp ngựa của ta làm lễ vật. Ồ, cái đó cũng dễ.
Nói xong rút trên đầu xuống chiếc kim thoa, nói:
- Ta cho các ngươi chiếc kim thoa này, viên minh châu nạm trên đó rất có giá trị, các ngươi đem đến làm lễ vật, Tiêu lão anh hùng hẳn sẽ thích lắm.
Nói xong giục cương, con tuấn mã liền chồm tới chạy vọt đi.
Cái Nhất Minh cầm kim thoa trên tay, thấy viên minh châu trên kim thoa vừa tròn vừa to, ánh sáng chói lọi, tứ hiệp tuy không biết coi mặt hàng, nhưng cũng biết đây là một vật quí giá khó kiếm. Bốn người ngơ ngẩn nhìn viên ngọc, trong bụng vui mừng khôn xiết. Tiêu Dao Tử nói:
- Cô nương này khẳng khái hào hiệp, hẳn cũng là người cùng bọn với chúng ta.
Cái Nhất Minh nói:
- Đại ca liệu sự như thần, nói ra nghe có lý lắm.
*
* *
Cô gái ngồi trong một căn phòng nhỏ tại Phần An khách điếm ở trấn Cam Đình, trên bàn để một vò rượu nhỏ, trong vò là Phần tửu nổi danh thiên hạ. Trấn Cam Đình ở phía nam phủ Tấn Nam giữa hai huyện Lâm Phần và Hồng Động, chính là nơi sản xuất ra rượu Phần. Thế nhưng nàng chỉ uống một ngụm, mồm đã thấy cay như xé, không thấy ngon chút nào. Thế nhưng sao cha nàng lại thích uống? Gia gia thường nói: “Con gái không được uống rượu”. Ở nhà nàng thường nghe cha nói đến loại rượu này, hôm nay có dịp lén trốn ra ngoài một mình, không thể không uống một bình Phần tửu. Thế nhưng uống hết một vò kể không phải dễ. Nàng lại uống thêm một ngụm nữa, thấy mặt mày nóng bừng, giơ tay lên chùi, thấy vã mồ hôi.
Nàng nghe các tiêu khách ở phòng bên cạnh, anh một ly tôi một ly, không ngừng cạn chén, không lẽ họ không sợ cay hay sao? Lại nghe một giọng đàn ông ồm ồm kêu:
- Phổ ky, cho thêm ba cân.
Cô gái nghe thấy thế lắc đầu. Một người khác nói:
- Trương huynh đệ, mình đi đường nên cẩn thận là hơn, uống ít đi một chút. Người ta đã bảo là "Giữ mồm giữ cả chân tay" có thế đi đâu mới không lộ hình tích. Bao giờ đến Bắc Kinh rồi, bọn mình sẽ uống một bữa cho thật đã đời.
Người kia cười đáp:
- Tổng tiêu đầu, tôi xem ông dè dặt quá đáng, bốn tên đó mới khoe khoang là Thái Nhạc tứ hiệp, đã khiến cho ông sợ... ha ha...phổ ky, mang rượu ra mau.
Thiếu nữ nghe thấy Thái Nhạc tứ hiệp, nhịn không nổi cười lên thành tiếng, hóa ra bọn tiêu sư này cũng đã đụng trận với Thái Nhạc tứ hiệp rồi. Lại nghe gã tổng tiêu đầu nói:
- Ta sợ đâu mà sợ? Ngươi có biết đâu ta trên mình mang trọng trách nghìn cân. Mười vạn lượng diêm tiêu này, có đáng gì cho họ Chu này. Hừ, bây giờ ta chưa tiện nói cho ngươi hay, bao giờ đến Bắc Kinh rồi, ngươi tự khắc sẽ biết.
Gã Trương tiêu sư cười đáp:
- Phải rồi, phải rồi! Tôi chẳng biết gì hết, tôi chẳng biết gì hết. Ha ha, Uyên Ương Đao ơi là Uyên Ương Đao.
Thiếu nữ nghe đến ba chữ Uyên Ương Đao, tim đập thót một cái, bèn ghé tai sát tường nghe cho rõ, nhưng bên kia không thấy nói thêm gì nữa. Cô gái bỗng nghĩ ra một mẹo, đi ra khỏi phòng, rón rén đến trước của sổ phòng của các tiêu sư. Nàng nghe viên tổng tiêu đầu hỏi:
- Làm sao ngươi biết? Ai là người tiết lộ phong thanh? Trương huynh đệ, chuyện này không phải chuyện đùa đâu nhé.
Tuy y đã đóng kín cửa phòng nhưng giọng nói thật là trịnh trọng. Gã Trương tiêu sư kia lạnh lùng đáp:
- Anh em trong đây có ai mà không biết? Riêng ông thôi cũng đã là một đại bí mật rồi.
Chu tổng tiêu đầu run run hỏi lại:
- Ai nói cho ngươi biết?
Trương tiêu đầu nói:
- Ha ha, còn ai vào đây? Chính ông chứ ai.
Chu tổng tiêu đầu hỏi dồn:
- Ta nói ra hồi nào? Trương huynh đệ, hôm nay nếu ngươi không nói cho rõ ra thì không xong đâu. Họ Chu này bình thời đãi ngươi không bạc...
Lại có tiếng một người khác nói:
- Tổng tiêu đầu đừng có nóng. Trương đại ca nói không sai, chính ông nói ra đó.
Chu tổng tiêu đầu hỏi lại:
- Ta ư? Ta ư? Sao lại ta là thế nào?
Người kia đáp:
- Từ khi tiêu xa rời Tây An, đêm nào nằm ngủ ông cũng nằm mớ, trong giấc mơ, nhắc đi nhắc lại: “Uyên Ương Đao, Uyên Ương Đao, kỳ này ta đưa tới Bắc Kinh, không thể sơ sót được, ai được Uyên Ương Đao sẽ vô địch thiên hạ...”.
Chu Uy Tín vừa sợ vừa thẹn, còn nói năng gì được nữa? Ai ngờ mình chăm chăm giữ cái đại bí mật, nhưng vì ban ngày nghĩ ngợi quá nhiều, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ tới “Uyên Ương Đao” không lúc nào nhãng ra, ngày nghĩ sao, đêm chiêm bao thế, nên trong giấc mơ nói huỵch toẹt cả. Y quay sang các tiêu sư vái một cái, hạ giọng nói:
- Các vị nhất quyết không được nhắc tới ba chữ “Uyên Ương Đao”. Từ tối nay trở đi, ta sẽ dùng vải bịt chặt miệng khi đi ngủ.
Thiếu nữ ở ngoài song nghe thấy mấy câu đó, trong lòng mừng rỡ, nghĩ thầm: “Đi lỏng gót giày không nên chuyện, Được rồi chẳng mất chút công phu”. Hóa ra đôi Uyên Ương Đao lại ở ngay trên người gã tiêu sư này. Ta ăn cắp đem về xem gia gia nói gì đây?
Thì ra cô gái đó họ Tiêu, tên Trung Tuệ, cha nàng chính là Tấn Dương đại hiệp Tiêu Bán Hòa. Uy danh Tiêu Bán Hòa vang dậy, trên giang hồ các lộ hảo hán ai ai cũng quen biết. Tháng trước mọi người nghe tin đôi Uyên Ương Đao thất lạc đã lâu nay tái xuất hiện, do chính tổng đốc Xuyên Thiểm Lưu Ư Nghĩa tìm được. Hai thanh đao đó có liên quan lớn đến Tiêu Bán Hòa, ông ta thể nào cũng phải đoạt lại. Mọi người bàn tính với nhau biết thể nào Lưu Ư Nghĩa cũng đem bảo đao về kinh sư, dâng lên hoàng đế, nếu như đoạt đao ngay tại phủ Tây An ắt có trọng binh trấn giữ, chi bằng chặn đường cướp lấy thì hơn.
Nào ngờ Lưu Ư Nghĩa giảo hoạt đa trí, được bảo đao rồi liền dàn nghi trận, lúc thì sai quan, lúc thì giả đoàn người đi tiến cống, phái hết đoàn này đến đoàn khác, khiến cho những hào sĩ giang hồ thèm muốn bảo đao toan cướp đoạt bị tổn thương không phải ít. Tiêu Bán Hòa nhân ngày sinh nhật năm mươi của mình, mới gửi Anh Hùng thiếp, mời các hảo hán bốn tỉnh Tần Tấn Dực Lỗ lại uống chén thọ tửu, nhưng trên thiếp có viết thêm yêu cầu kiệt tận toàn lực cướp lại đôi bảo đao này. Lẽ dĩ nhiên, chỉ những người nào quen biết thật thân tình, nhiều nhiệt huyết, thiếp mời mới có hàng chữ đó, nếu không phong thanh tiết lậu, bảo đao không cướp được mà còn liên lụy đến tính mạng bạn bè.
Tiêu Trung Tuệ nghe thấy phụ thân nói về đôi bảo đao nên cũng muốn thử xem sao. Tiêu Bán Hòa sai học trò đem thiếp đi các nơi, nàng cũng nhân thế xin đi, Tiêu Bán Hòa sai người mai phục trên đường Thiểm Tây, nàng cũng đòi theo. Thế nhưng Tiêu Bán Hòa nhất quyết lắc đầu nói:
- Không được.
Nàng năn nỉ mãi, Tiêu Bán Hòa mới nói:
- Ngươi thử hỏi đại má và má má ngươi xem có cho đi không?
Tiêu Bán Hòa có hai bà vợ, đại phu nhân họ Viên, nhị phu nhân họ Dương. Trung Tuệ do Dương phu nhân sinh ra, nhưng Viên phu nhân đối với nàng cưng chiều lắm, không khác gì con đẻ. Dương phu nhân không cho đi, Tiêu Trung Tuệ liền dỗi nói nhất định sáng hôm sau sẽ đi. Thế nhưng Viên phu nhân nói không được đi, Trung Tuệ không dám cãi lời. Vị Viên phu nhân đối với nàng rất dịu dàng, nhưng trong dáng dấp có vẻ uy nghiêm, nên từ bé không bao giờ dám cãi lời mẹ cả một tiếng.
Thành thử chuyện đi cướp bảo đao thì vừa hung hiểm, vừa kỳ diệu, thực là thú vị. Tiêu Trung Tuệ vừa nghĩ đến, không thể nào nhịn nổi nên một đêm khuya, viết vài hàng để lại cho cha, mẹ cả và mẹ ruột, lén dắt một con ngựa ra khỏi Tấn Dương. Nàng gặp phải bọn Thái Nhạc tứ hiệp muốn đến chúc thọ cha mình, nghĩ thầm anh hùng hảo hán trên giang hồ, võ công chắc cũng thế mà thôi, bây giờ nghe bọn tiêu sư nói chuyện, thấy chuyện cướp đao Uyên Ương cũng không có gì là khó.
Nàng quay lại, định trở về phòng, từ từ tính xem sẽ động thủ với bọn tiêu sư thế nào, nhưng vừa được hai bước, thì từ phòng đằng trước vọng ra một tiếng keng, chính là tiếng binh khí chạm nhau mà từ bé nàng đã quen thuộc. Cô gái kinh hãi: “Chao ôi, không xong! Người ta nhìn thấy mình rồi!” Bỗng nghe tiếng một người chửi:
- Định đánh thật chăng?
Tiếng một người đàn bà kêu lên:
- Bộ tưởng ta còn nể nang ngươi nữa chắc?
Chỉ nghe thấy tiếng choang choang liên tiếp, hai bên đánh nhau thật kịch liệt, xen lẫn có tiếng trẻ con khóc ré lên. Trong phòng thấy có hai bóng người, một nam một nữ, mỗi người cầm một thanh đơn đao, đánh nhau dữ dội toàn những đòn chí mạng.
Chỉ một lát sau, khách điếm biến thành đại loạn. Bỗng nghe Chu tổng tiêu đầu quát lớn:
- Tất cả các anh em không ai được ra ngoài, mọi người coi chừng, bảo vệ tiêu xa, cẩn thận đừng mắc vào kế điệu hổ ly sơn.
Tiêu Trung Tuệ nghe thế, nghĩ thầm: “Người ta đánh nhau chí mạng thế kia, không lẽ còn đánh giả vờ để điệu hổ ly sơn? Tiếc thay y không chạy ra coi, nếu không thì thật là dịp tốt để lẻn vào ăn trộm đao”. Nhìn lại hai cái bóng đen kia, người đàn bà xem chừng yếu hơn, liên tiếp thối lui, người đàn ông từng bước từng bước ép tới, không chịu lơi ra chút nào. Lòng hiệp nghĩa của cô gái nổi lên, nghĩ thầm: “Tên ác tặc này thật là vô lễ, ban đêm lẻn vào phòng phụ nữ, giở trò cường bạo, chuyện bất bình như thế không lẽ ngồi yên?”. Nàng đang định xông vào giúp người đàn bà, nhưng nghĩ lại: “Không được, nếu ta ra tay thì lộ hết hành tàng, nếu như bọn tiêu sư nhìn thấy, chuyện ra tay ăn trộm đao không còn dễ dàng được nữa”. Tiêu Trung Tuệ bèn cố nén cơn giận, thấy tiếng binh khí chạm nhau giảm đi, hai bên nam nữ mở mồm chửi rủa, nghe giọng miền nam đất Lỗ, nàng nghe không hiểu đến quá nửa.
Nàng nghe một hồi bỗng thấy khó chịu, đang định về phòng, bỗng nghe kẹt một tiếng, cửa một gian phòng ở phía đông mở ra, một thư sinh đi ra. Y lớn tiếng nói:
- Hai vị vì cớ gì lại sinh chuyện? Sao không ngồi xuống nói chuyện phải quấy với nhau, việc gì phải động đao động thương?
Y vừa nói, vừa đi đến cửa sổ phòng hai người kia, dường như muốn khuyên giải. Tiêu Trung Tuệ nghĩ thầm: “Tên ác đồ này hung tợn thế, đời nào nói chuyện phải quấy với ngươi”. Chỉ thấy trong phòng lại có tiếng binh khí chạm nhau, rồi một viên đạn từ trong phòng bắn ra ngoài cửa sổ, nghe bốp một tiếng, đánh rơi luôn cái mũ của chàng thư sinh nọ xuống đất. Gã học trò kêu lên:
- Ôi chao, không xong rồi.
Y lẩm bẩm một mình:
- Thành đã cháy thì đến cá trong ao cũng chịu tai ương. Người quân tử không đứng nơi bức tường sắp đổ, nên minh triết bảo thân là hơn.
Nói xong y chậm rãi đi về phòng. Tiêu Trung Tuệ thấy vậy tức cười quá, lại e người đàn bà đang gặp chuyện khẩn cấp, gã ác đồ kia chẳng còn ngại ngùng gì, người đàn bà thể nào cũng bị thua to. Thế nhưng lúc đó trong phòng không còn nghe tiếng đánh nhau nữa, khách điếm trở lại lặng như tờ. Tiêu Trung Tuệ trong bụng tính toán: “Gia gia thường nói, hành sự phải chia ra nặng nhẹ, hoãn cấp, trước mắt chuyện trộm đao là khẩn cấp, đành để cho gã hung đồ vô pháp vô thiên”.
Nghĩ thế nàng bèn về phòng đóng cửa lại, nằm trên giường suy nghĩ chuyện làm thế nào lấy được bảo đao: “Tiêu đội đó người không phải ít, mình chỉ một người làm sao đối phó đây? Chi bằng đang đêm chạy về Tấn Dương cho cha mình hay, để cho ông điều động thủ hạ. Thế nhưng nếu mình nghĩ được cách nào ăn cắp được hai thanh đao dâng lên cho cha, không hay hơn sao?”. Nghĩ đến lúc đắc ý như thế, núm đồng tiền trên má nàng lõm hẳn xuống. Thế nhưng kế nào đây? Nàng từ bé được cha dạy dỗ, võ công không phải kém nhưng về mưu kế thì nàng chẳng mấy khi dùng, trong bụng không có bao nhiêu, đúng ra chẳng có gì cả.
Nàng nằm trên giường, suy nghĩ đến nhức cả đầu, tuy có nghĩ ra năm sáu cách nhưng suy đi tính lại, thì không thể nào dùng được. Nằm mơ mơ màng màng một hồi, mí mắt trĩu xuống, bỗng trong đêm thanh vắng có tiếc cốc, cốc, cốc... từ xa đến gần, dường như có ai dùng thiết trượng đi trên đường đá tới đây, hẳn là một người mù lòa.
Tiếng cốc cốc đến trước khách điếm thì ngừng lại, kế đến lại có tiếng gậy gõ cộp cộp vào cửa khách điếm, rồi có tiếng điếm tiểu nhị mở cửa, và tiếng một người già nua hỏi mườn phòng. Điếm tiểu nhị bảo người đó đưa tiền trước, người mù đó đưa tiền ra nhưng còn thiếu đâu hai đồng. Rồi người cự tuyệt, kẻ cầu xin, tên nhà trọ chửi mắng bằng những lời thô tục, từng câu từng câu đều lọt vào tai Tiêu Trung Tuệ.
Nàng càng nghe càng thấy ông già mù đáng thương, liền ngồi dậy, lấy trong bọc ra một đĩnh bạc nhỏ, mở cửa đi ra, đã thấy gã thư sinh hoa chân múa tay, mang giọng chi hồ giả dã đang nói phải quấy cho gã điếm tiểu nhị nghe, xem ra y tuy biết đạo minh triết bảo thân nhưng lại hay xía vào chuyện người khác. Gã học trò nói:
- Anh tiểu nhị, kính người già cả, thương người nghèo khổ, là những việc rất nên làm, có thiếu hai xu, thôi cũng bớt cho người ta cũng được rồi.
Điếm tiểu nhị bực dọc nói:
- Tướng công nói nghe hay quá, nếu ông có lòng tốt, thì sao ông không trả giùm cho người ta đi.
Gã thư sinh nói:
- Ngươi nói thế sai rồi. Ta là kẽ lữ hành, tiền bạc mang theo đâu có là bao. Tiền phòng của nhà ngươi lại đắt thấy mà khiếp, nếu ăn tiêu không dè dặt, chỉ sớm tối sẽ không khác gì Phu Tử bị nguy nơi nước Trần, nước Sái. Chính thế mà anh tiểu nhị bớt cho người ta hai đồng mới phải.
Tiêu Trung Tuệ cười rộ lên, gọi lớn:
- Thôi, này anh tiểu nhị, tiền đó để tôi trả cho, cầm lấy.
Điếm tiểu nhị vừa quay đầu, thấy một vật lấp lánh, một đĩnh bạc vụn bay tới, vội đưa tay chộp. Hai tay y cầm tiền đã quen, không bao giờ hụt, thế nhưng lần này đầu tiên trong đời tiền ném tới, chưa tập luyện, nghe bịch một tiếng, khối bạc trúng ngay ngực, đau quá kêu “Ối chà” một tiếng. Gã thư sinh nói:
- Ngươi xem đó, một cô gái tuổi còn nhỏ mà đã có lòng tốt. Tiểu nhị ca, ngươi là đàn ông con trai mà kém xa.
Tiêu Trung Tuệ đưa mắt liếc y một cái, thấy gã mặt dài mắt sáng, lông mày như kiếm xếch lên, mặt đầy anh khí, hơi ngạc nhiên vội cúi đầu xuống. Chỉ nghe ông già mù nói:
- Đa tạ tướng công có lòng tốt, giúp cho lão tiền ăn tiền ở, xin cảm ơn. Không biết ân công cao tính đại danh là gì, lão mù xin ghi nhớ trong lòng, sau này có dịp báo đền ân đức.
Gã học trò đáp:
- Tiểu khả họ Viên, tên Quán Nam, chuyện nhỏ nhặt đó có đáng gì đâu? Lão trượng tôn tính đại danh là gì?
Ông già mù đáp:
- Tiện danh của lão mù này là Trác Thiên Hùng.
Tiêu Trung Tuệ trong bụng cười thầm: “Ông già này đúng là mắt lòa mà lòng cũng mù nốt. Rõ ràng là ta cho ông ấy tiền, lại đi tạ ơn người khác”. Đột nhiên nàng nghe ba chữ Trác Thiên Hùng, trong lòng hoang mang: “Cái tên này ta đã nghe tới rồi. Hôm đó mình đi ngang phòng của mẹ cả, cha và mẹ cả mình đã nói đến tên này, vừa thấy mình liền nín bặt. Không biết chỉ cùng họ, cùng tên hay cùng âm mà khác chữ? Cha ta sao lại biết được ông già mù này?”.
Viên Quán Nam đi chung với Trác Thiên Hùng cùng theo điếm tiểu nhị vào trong nội viện. Khi đi ngang qua Tiêu Trung Tuệ, Viên Quán Nam đột nhiên vái dài nói:
- Cô nương, chắc cô mang nhiều tiền lắm nhỉ?
Tiêu Trung Tuệ không ngờ y lại mở miệng nói chuyện với mình, mặt đỏ lên, không biết phải hoàn lễ hay không, nói:
- Cái gì?
Viên Quán Nam nói:
- Tiểu khả thấy cô nương hào sảng như thế, nên có ý muốn mượn ít tiền tiêu.
Tiêu Trung Tuệ không ngờ y dám mở miệng hỏi mượn tiền, càng thêm rối trí, mặt đỏ bừng, không biết phải trả lời sao, đứng đờ ra một lát rồi quay mặt đi. Thư sinh kia nói:
- Được, nếu cô không cho mượn, cũng chẳng sao. Thôi tiểu khả đi hỏi người khác vậy.
Nói xong lại vái một cái, quay mình đi trở về phòng. Tiêu Trung Tuệ tim đập thình thịch, chưa định thần được, bỗng nhiên phòng bên lại có tiếng binh khí chạm nhau cùng tiếng chửi rủa vang lên, nghe bình một tiếng lớn, cửa sổ tung ra, một hán tử tay cầm đơn đao nhảy ra ngoài, tay trái ôm thêm một đứa bé. Tiếp đó một thiếu phụ cũng nhảy cửa sổ đuổi theo, đầu tóc rối tung, vừa múa đao vừa mắng:
- Trả lại con ta, ngươi ôm nó đi đâu?
Hai người một trước, một sau, chạy thẳng ra khỏi khách điếm. Tiêu Trung Tuệ thấy thiếu phụ mặt mày hoảng hốt, lửa giận trong lòng khó mà ngăn nổi, nghĩ thầm: “Tên hung đồ này cướp đưa con của bà ta, thật là thương thiên hại lý, mình không thể nào không can thiệp”. Nàng vội về phòng lấy song đao, chạy đuổi theo.
Nàng nghe xa xa tiếng thiếu phụ luôn mồm réo gọi:
- Mau bỏ con ta xuống, nửa đêm gà gáy, làm cho nó sợ. Tên ác tặc chết đâm chết chém kia, làm con ta sợ, ta... ta...
Tiêu Trung Tuệ theo tiếng mà đuổi, nào ngờ gã hung đồ và thiếu phụ khinh công rất khá, chạy theo đến hơn một dặm mới thấy hai người đang quần thảo. Tên hung đồ tay ôm đứa trẻ, xem chừng kém thế, nên bỏ đứa trẻ xuống một tảng đá, rồi quay lại múa đao tấn công. Tiêu Trung Tuệ ngừng chân, xem võ công tên đó ra sao đã, thấy y sức lực mạnh mẽ, thế đao ác độc. Thiếu phụ vừa đánh vừa lùi, xem ra chỉ chớp mắt sẽ bị thương vì đao của y ngay. Tiêu Trung Tuệ cầm đao nhảy ra, quát lớn:
Truyện kiếm hiệp online hay nhất tại truyenkiemhiepso1.blogspot.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét